Yếu tố Trung Quốc trong bầu cử ở Sri Lanka
Cuộc bầu cử quốc hội ở Sri Lanka ngày 17.8 hứa hẹn sẽ định hình không chỉ tương lai chính trị của quốc gia này mà còn cả địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn, vốn là một trung tâm thương mại và dòng chảy năng lượng toàn cầu.
Tầm quan trọng chiến lược của quốc gia này không thoát khỏi sự chú ý của Trung Quốc, nước đang nỗ lực tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương trước sự lo ngại của Ấn Độ và Mỹ.
Nguy cơ thuộc địa hóa
Một ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử ở Sri Lanka là cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Trong thời gian ông Rajapaksa làm tổng thống, quan hệ giữa Sri Lanka và Ấn Độ trở nên xấu đi, một phần vì chính quyền của ông này không chịu hòa giải với dân tộc thiểu số Tamil. (Ấn Độ có dân số người Tamil đáng kể).
Ngược lại, quan hệ của Sri Lanka và Trung Quốc lại được cải thiện một cách ấn tượng, nhiều công ty Trung Quốc giành được hàng loạt hợp đồng xây dựng béo bở, vốn sẽ đảm bảo vị thế của Sri Lanka là chặng dừng quan trọng trong “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc kết nối châu Á với châu Phi và Trung Đông.
“Con đường tơ lụa trên biển” không chỉ là sáng kiến về thương mại, nó cũng sẽ cung cấp nhiều điểm tiếp cận cho hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương thông qua các thỏa thuận về tiếp liệu, bổ sung hàng tiếp tế và bảo trì. Sự kết hợp giữa các lợi ích kinh tế và quân sự được thể hiện rõ ràng vào mùa thu năm ngoái, khi các tàu ngầm Trung Quốc, trong chuyến hải hành đầu tiên đến Ấn Độ Dương, đã neo đậu tại khu cảng mới do người Trung Quốc đầu tư ở thủ đô Colombo của Sri Lanka.
Người kế nhiệm của ông Rajapaksa, Tổng thống Maithripala Sirisena và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, dường như đã nhận ra những nguy cơ từ sự hợp tác với Trung Quốc. Thực tế, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Sirisena - từng giữ chức Bộ trưởng Y tế trong nội các của ông Rajapaksa trước khi từ nhiệm để cạnh tranh với sếp cũ của mình - tuyên bố những hợp đồng mà ông Rajapaksa trao cho Trung Quốc đang đẩy Sri Lanka vào bẫy nợ.
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Sirisena cũng cảnh báo: “Vùng đất mà người da trắng (chỉ người châu Âu từng cai trị Sri Lanka - ND) từng chiếm bằng sức mạnh quân sự hiện đang bị người nước ngoài sở hữu sau khi họ chi một khoản tiền lo lót cho một số người... Nếu khuynh hướng này kéo dài thêm 6 năm nữa, đất nước chúng ta sẽ trở thành thuộc địa và chúng ta sẽ trở thành nô lệ”. Dù tuyên bố đó không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng ẩn ý quá rõ.
Sau khi lên nắm quyền, chính quyền của ông Sirisena đã dừng việc xây dựng một thành phố có tổng vốn đầu tư 1,4 tỉ USD mà các công ty Trung Quốc đang tiến hành và điều tra về các vi phạm môi trường, tham nhũng, trong đó có khoản tiền 1,1 triệu USD mà một công ty Trung Quốc bị nghi ủng hộ cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông Rajapaksa.
Con đường độc lập
Dẫu vậy, ông Sirisena hồi tháng rồi bất ngờ quyết định cho phép ông Rajapaksa ra tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội bằng tấm vé của đảng Tự do Sri Lanka (SLFP) mà ông Sirisena đã chiếm quyền kiểm soát từ tay ông Rajapaksa sau khi thắng cử. Dường như vị tổng thống đương nhiệm không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chung sống với ông Rajapaksa trước tình trạng quan hệ ngày càng xấu đi giữa ông với Thủ tướng Wickremesinghe thuộc đảng Quốc gia thống nhất, đối thủ chính của SLFP.
Nếu SLFP giành được thế đa số, ông Rajapaksa không mặc nhiên trở thành lãnh đạo chính phủ mới, mà quyết định đó phụ thuộc vào ông Sirisena. Câu hỏi đặt ra lúc đó là ông Sirisena sẽ hòa giải với người tiền nhiệm tới mức độ nào. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ ăn mừng sự quay trở lại cầm quyền của ông Rajapaksa, người từng cáo buộc chính phủ hiện nay của Sri Lanka “đang đối xử với Trung Quốc như tội phạm”. Kết quả như vậy sẽ giúp đảm bảo Sri Lanka trở thành một phần chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương của Trung Quốc.
Trong cuộc bầu cử sắp tới, các cử tri Sri Lanka trên thực tế sẽ quyết định liệu quốc gia của họ nên quy lụy trước những tham vọng khu vực của Trung Quốc hay tạo ra vận mệnh của chính mình bằng cách thúc đẩy chính sách đối ngoại độc lập và một nền kinh tế cởi mở. Ai cũng hy vọng rằng họ sẽ chọn con đường thứ hai. Xét cho cùng, Sri Lanka không thể chỉ là một “quốc gia đi dây” trong cuộc cạnh tranh về uy thế trên biển giữa Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc.
63.000 cảnh sát bảo vệ bầu cử
Giới chức Sri Lanka hôm qua thông báo khoảng 63.000 cảnh sát đã được triển khai để bảo vệ an ninh tại các khu bỏ phiếu cho cuộc bầu cử quốc hội diễn ra hôm nay 17.8, theo AFP.
Tình hình an ninh được thắt chặt sau vụ xả súng vào một cuộc tuần hành của đảng Quốc gia thống nhất ở Colombo cách đây 2 tuần, khiến hai người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Dự kiến từ khoảng 7 giờ sáng (giờ địa phương) có khoảng 15 triệu cử tri Sri Lanka đi bỏ phiếu và kết quả sẽ được công bố vào cuối ngày 18.8.
Minh Trung
|
Theo thanhnien