Ý đồ nguy hiểm trên biển Đông
|
Sau khoảng 6 tháng kể từ khi bắt đầu đưa nhiều đội xây dựng xuống nhiều khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của VN, Trung Quốc đã bước đầu biến 6 bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo, the tờ Want Daily (Đài Loan). Những bãi đá bị “cưỡng ép” phi pháp thành đảo gồm Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Én Đất. Ngoài ra, tờ Asahi Shimbun đưa ra những hình ảnh chụp từ vệ tinh cuối tháng 7 cho thấy tại Gạc Ma đã xuất hiện nhiều lối đi, cây dừa, cầu tàu và một số công trình phi pháp khác.
Đe dọa nhiều bên
Những hoạt động xây dựng ở Gạc Ma được cho là nằm trong dự án của Trung Quốc biến đá Gạc Ma thành một hòn đảo nhân tạo với chiều dài 5.000 m và chiều rộng 400 m để phục vụ mục tiêu cài cắm thêm tiền đồn không quân trên biển Đông. Chuyên san quốc phòng Kanwa Defense Review dẫn nhiều nguồn tin tiết lộ ý đồ trước mắt của Bắc Kinh là hoàn thành một đường băng dài 2.000 m để không quân nước này có thể triển khai các chiến đấu cơ Su-30, J-11 và J-10, có bán kính tác chiến ít nhất 1.500 km, xuống biển Đông. Giới phân tích cảnh báo nếu đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ có thể tiến hành các chiến dịch trên không, chẳng hạn thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại các khu vực tranh chấp và vươn xa đến tận eo biển Malacca, đe dọa các bên đang tham gia tranh chấp khác.
|
Hãng thông tấn CNA (Đài Loan) ngày 6.9 cũng đăng bài phân tích cảnh báo một khi Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ xuống Trường Sa, cả khu vực Đông Nam Á sẽ nằm trong phạm vi tác chiến của quân đội nước này. Bài phân tích còn cảnh báo Bắc Kinh có thể sẽ đặt trạm radar hoặc thiết bị nghe trộm tại Gạc Ma để theo dõi các hoạt động phòng không và trao đổi thông tin của VN, Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia. Tương tự, Kanwa Defense Review cho rằng Gạc Ma có thể sẽ trở thành trạm giám sát khu vực hoặc căn cứ hành quân tiền phương cho hải quân. Trong trường hợp đó, Trung Quốc không những tạo được sự đã rồi để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của mình ở biển Đông mà còn có thể giám sát các hoạt động của lực lượng Mỹ trong khu vực. Theo giới quan sát, Trung Quốc đang cấp tập tạo cơ sở để phục vụ mục tiêu đeo bám, quấy nhiễu và ngăn chặn hoạt động giám sát, thám báo của Mỹ trên biển Đông trong bối cảnh Washington tăng cường can dự vào tình hình an ninh khu vực và Gạc Ma cũng nằm trong kế hoạch này. Cách đây hơn 2 tuần, Lầu Năm Góc cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc J-11 có hành động “ngăn chặn nguy hiểm” bằng cách bay lượn lờ, bám sát máy bay săn ngầm P-8 của hải quân Mỹ, có lúc chỉ cách khoảng 6 m, khi P-8 hoạt động trong không phận quốc tế trên biển Đông, theo Bloomberg. Sau đó, chuyên gia quân sự Trung Quốc Vương Á Nam tuyên bố trên Hoàn Cầu thời báo việc điều chiến đấu cơ “đuổi” máy bay do thám Mỹ là “chiến thuật có hiệu quả” và suy đoán những vụ tương tự sẽ còn tiếp diễn.
Mở đường cho oanh tạc cơ tới Phú Lâm
Không chỉ mở đường băng ở Gạc Ma, Trung Quốc còn mở rộng cảng và đường băng ở đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN và đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Chuyên san quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly (Anh) đưa ra kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy kể từ tháng 10.2013, giới chức Trung Quốc dỡ đê chắn sóng và bắt đầu công việc nạo vét tại Phú Lâm đồng thời thả đất, cát bồi đắp khu vực nằm ở phần cuối đường băng dài 2.400 m trên đảo. IHS Jane's Defence Weekly ước tính khi được hoàn thành, đường băng sẽ được nâng cấp lên tới 2.700 - 2.800 m, mức an toàn để không quân Trung Quốc có thể triển khai oanh tạc cơ H-6 và máy bay vận tải chiến lược Ilyushin Il-76. Ngoài ra, do Hoàng Sa có vị trí chiến lược nằm gần trung tâm của biển Đông, chính quyền Bắc Kinh có thể dùng quần đảo này làm căn cứ cho các hoạt động bán quân sự như áp dụng lệnh đánh bắt do họ đơn phương áp đặt hoặc cấm các tàu thuyền nước ngoài vào khu vực.
Theo thanhnien