Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 03/11/2014

Vua Thái và hiểm hoạ khi quân

Độc đáo hoàng gia Thái
Người dân chụp hình lưu niệm với ảnh vua tại Bệnh viện Siriraj (Bangkok) - Ảnh: Nguyễn Tập 

Chẳng biết phải gọi vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej (Rama IX) thế nào cho chính xác. Là nhạc sĩ cũng đúng, vì ông từng trình diễn, sáng tác nhiều bài nhạc jazz được ưa thích trong và ngoài nước. Là nhà sáng chế cũng không sai, vì ông có vài công trình được cấp bằng... Nhưng dù bằng bất cứ chức danh gì, với người dân Thái Lan, ông “Là một trong những vị vua được quý mến nhất lịch sử Thái”.  

Vị vua độc nhất vô nhị

Lúc còn trẻ, vua Rama IX thường tự lái xe Jeep đến những nơi xa xôi, nghèo khó nhất Thái Lan để lắng nghe, hiểu rõ cuộc sống của dân nghèo. Mỗi năm ông dành đến 5 tháng, lái gần 50.000 km để đi thực địa như thế. Không chỉ vậy, vốn là kỹ sư nông nghiệp, ông biến luôn cung điện Chitralada thành trang trại, nhà máy, thành nơi thí nghiệm những sản phẩm nông nghiệp.

Chính từ đây, hơn 2.000 dự án về lương thực và dinh dưỡng cho người Thái đã thật sự thay đổi cuộc sống của nông dân nghèo. (Ít ai biết, vua Rama IX là người tạo ra giống ổi không hạt ở Thái, loại ổi mà sau này được xuất đi nhiều nước trên thế giới).

“Đó là ông vua thật sự vì dân. Ông dạy dân nuôi bò sữa, trồng lúa, cây ăn quả thay vì trồng thuốc phiện rồi đổi thương hiệu thành “sản phẩm của vua” để bán ra. Lợi nhuận thu được lại tiếp tục dùng cho các dự án giúp dân khác”, Areerat Wonsa-Oun, điều hành tiếp thị truyền thông cho Tập đoàn SIG Combibloc, cho biết.

Vua Bhumibol Adulyadej - Ảnh: AFP 

Không chỉ được người dân ngưỡng mộ và tôn kính gần như tuyệt đối, đối với chính trường, tiếng nói của ông có sức mạnh không nhỏ. Năm 1992, cuộc xung đột giữa phe quân sự và phe ủng hộ dân chủ khá ác liệt, bạo động diễn ra khắp nơi gây rất nhiều thương vong.

Trước tình hình đó, nhà vua cho gọi lãnh đạo hai phe là Thủ tướng Suchinda Kraprayoon (phe quân sự) và tướng Chamlong Srimuang (phe dân chủ) đến gặp. Hai viên tướng mới mấy ngày trước còn “quyết sống mái” giờ đây phủ phục ngoan ngoãn dưới chân nhà vua.

Bằng lời khuyên nhủ chí tình “đất nước của chúng ta chứ không của riêng ai”, “không ai có thể ca khúc khải hoàn trên đống đổ nát của đất nước”, vua Rama IX đã khiến cả hai ông tướng quyết định “giải giáp” chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó. Phe biểu tình rút lui, quân đội cũng buông súng. Cuộc xung đột trả giá bằng biết bao nhiêu thiệt hại về nhân mạng cũng như kinh tế đã được chấm dứt bằng một cách nhẹ nhàng như thế.

 
 

Vua của những kỷ lục

Vua Bhumibol Adulyade (vua Rama IX), 87 tuổi, là vị vua trị vì lâu nhất thế giới hiện nay (từ năm 1946). Ông là vị vua duy nhất trên thế giới được tặng bằng sáng chế về công trình xử lý nước thải (1993), mưa nhân tạo “Made in Thailand” (năm 2002), từng giành huy chương vàng môn đua thuyền buồm tại Đại hội Thể thao bán đảo Đông Nam Á năm 1967 (tiền thân của SEA Games). Ngoài ra, ông còn là người được nhận bằng danh dự nhiều nhất trên thế giới (136 bằng).

 

Từ năm 2009, nhà vua gần như ở thường xuyên trong Bệnh viện Siriraj (Bangkok) vì bệnh. Tôi đến bệnh viện nơi vua đang điều trị vào buổi chiều muộn 30.10.

Hôm đó chỉ là một ngày bình thường, không lễ lạc gì cả, trời mưa lại to nhưng dòng người đến thăm vua vẫn không ngớt. Bongkod Pupookaiw, nữ cảnh vệ phục vụ vua, cho biết: “Không chỉ có người Thái, mà đại sứ, lãnh đạo các nước cũng thường đến thăm và để lại lời chúc. Mỗi ngày trung bình ở đây tiếp phải gần 1.000 lượt khách”.

Dĩ nhiên, không ai được vào tận nơi để thăm vua, nhưng tại bệnh viện có hẳn một cái sảnh thật lớn treo hình vua và bức tượng của mẹ ngài, xung quanh tràn ngập những lẵng hoa tươi của người dân mang đến.

Họ là những người nông dân lam lũ, là những doanh nhân sang trọng, là những em học trò tan trường ghé sang, là những ông bà cụ chống gậy lụm cụm tìm đến... Đến nơi, tất cả đều quỳ xuống cúi lạy bức hình vua một cách kính cẩn và lầm rầm lời cầu chúc.

Bà Piyawan Wongsakun (72 tuổi, nhà ở tỉnh Chanthaburi), cho biết: “Tui ở gần cửa khẩu Ban Laem sát biên giới Campuchia, đi xe đò tới đây mất năm tiếng đồng hồ. Nghe nói vua bệnh, đang chữa ở đây nên tới để cầu chúc sức khỏe cho ông. Bây giờ phải chạy về cho kịp chuyến xe”. Nói xong, bà tất tả xỏ lại đôi dép rồi quày quả đi. 

Hiểm họa khi quân

Ngày xưa, người nào “khi quân phạm thượng” sẽ bị chém đầu. Ngày nay ở Thái chỉ cần lỡ lời về vua cũng có thể dễ dàng đi tù như chơi. Còn nhớ lần đầu tôi đến Thái, lời căn dặn quan trọng nhất từ những người từng sống ở Thái đều là: “Hãy cẩn thận! Đừng bao giờ nói linh tinh hoặc có hành động vô lễ đến bất cứ gì liên quan đến vua và hoàng gia, kể cả hình ảnh”.

 

 Cận vệ Hoàng gia Thái Lan - Ảnh: Reuters

Chỉ cách đây chừng mươi ngày, một người đàn ông Thái (67 tuổi) đã bị kết tội “phạm thượng” khi viết lên tường một nhà vệ sinh công cộng những lời nhận xét chống hoàng gia. Xui cho ông là Thái Lan đang trong tình trạng thiết quân luật, những người bị buộc tội sẽ bị xử tại tòa án binh và không có quyền kháng án.

Không chỉ những hành vi cụ thể như viết bậy lên tường, đốt hình của vua, ném cờ xuống sông... mà những phát biểu trêu chọc hoặc xúc phạm đến vua, hoàng gia ở ngoài đời hoặc trên internet đều bị kết án. Và điều này cũng ghi rõ trong luật của Thái: “Người nào phỉ báng, xúc phạm hoặc đe dọa vua, hoàng hậu, hoàng thái tử bị phạt tù từ 3 đến 15 năm”.

Riêng năm nay, sau khi quân đội Thái lên nắm chính quyền, số lượng người bị kết tội “phạm thượng” lên cao nhất từ trước đến nay. Theo thống kê của iLaw (nhóm ủng hộ quyền tự do trên internet) và Prachatai (tờ báo online phi lợi nhuận tại Thái), cho đến ngày 10.9.2014 đã có 21 người bị kết án “phạm thượng”, trong đó 18 người vẫn còn ngồi tù. Bất ngờ hơn, hồi đầu tháng 10, nhà hoàng gia học nổi tiếng ở Thái là Sulak Sivaraksa bị hai trung tướng về hưu kiện ra tòa vì đã phỉ báng vua Naresuan, người trị vì vương quốc Ayutthaya... 400 năm trước. 

Tại Thái, vua Naresuan rất được tôn kính vì giải phóng đất nước thoát khỏi sự cai trị của Miến Điện (Myanmar ngày nay). Cuộc đời của ông được dựng rất nhiều phim, nhạc kịch... Tuy nhiên, trong bài diễn thuyết với chủ đề: “Lịch sử Thái: Sự xây dựng và phá hoại” tại Đại học Thammasat (Bangkok, Thái Lan), Sulak nói truyền thuyết về cuộc chiến voi giữa Naresuan và vua Miến điện là được “dựng lên” và ông cũng chỉ trích vị vua huyền thoại này quá độc ác.

Trước đó, cuối năm 2013, tòa án tối cao Thái Lan đã xử một án lệ phỉ báng hoàng gia tương tự. Khi đó, bị cáo bị buộc tội vì phỉ báng vua Rama IV. Mặc dù lập luận rằng trong luật không ghi rõ sẽ bị tội nếu phỉ báng cựu vương, người này rốt cuộc cũng phải chịu án tù vì xúc phạm vua đã chết cũng ảnh hưởng đến vua hiện tại. 

Theo thanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready