Việt Nam, trung tâm hòa giải xung đột quốc tế
Khách sạn Melia, được cho là nơi Chủ tịch Kim Jong-un lưu trú trong thời gian diễn ra hội nghị; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tại Trung tâm báo chí quốc tế (ảnh nhỏ)
Tiến sĩ Bùi Hải Đăng (Trưởng khoa Quan hệ quốc tế - ĐH KHXH - NV TP.HCM): Việc chọn Việt Nam là nơi tổ chức, cụ thể là Hà Nội, chắc chắn do Việt Nam là một quốc gia thân thiện, có kinh nghiệm tổ chức hội nghị quốc tế (APEC chẳng hạn) và do khoảng cách với Triều Tiên. Bên cạnh đó, với nhiều thành tựu về đối ngoại và kinh tế, Việt Nam còn có tính biểu tượng cho một mô hình phát triển và tính kết nối cao.
Việt Nam có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Triều Tiên, đồng thời cũng có quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ (và cả đối tác chiến lược với Hàn Quốc). Việt Nam gần đây liên tục tổ chức thành công các hội nghị quốc tế lớn và có những địa điểm đảm bảo về an ninh. Việt Nam từng là biểu tượng của hòa bình cho phong trào phản chiến quốc tế sau Hiệp định Paris 1972, sau đó còn là biểu tượng cho công cuộc hàn gắn chiến tranh hai miền Nam - Bắc, và là biểu tượng cho tiến trình hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế khi thực hiện chính sách Đổi mới từ năm 1986.
Nếu diễn ra ở Việt Nam, Triều Tiên không chỉ có nền tảng để tăng cường tính kết nối với ASEAN, mà còn có thể dựa trên các kinh nghiệm của chiến lược FTA mà Việt Nam đang thực hiện để tạo bước đệm tham gia vào tiến trình tự do thương mại nói chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với Triều Tiên, Việt Nam cho thấy khả năng kết nối nước này đến các tổ chức khu vực và khả năng truyền tải các biểu tượng tích cực về nguyện vọng hòa bình của Triều Tiên đến dư luận quốc tế.
Sự kiện lần này sẽ là cột mốc về thương hiệu quốc gia khi lần đầu tiên Việt Nam được nhìn nhận như một trung tâm hòa giải xung đột quốc tế hiếm hoi ở Đông Nam Á, giúp phát huy tối đa lợi thế của chủ trương ngoại giao cân bằng mà Việt Nam đang tích cực triển khai. Đây sẽ là tiền lệ để Việt Nam có thể giảm tải cho Singapore trong việc tổ chức các hội nghị hòa giải sắp tới, và tạo dư địa để kiến tạo những kênh đối thoại mới của riêng Việt Nam trong nhánh đối ngoại về quản lý xung đột - một nền tảng giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành “mẫu số chung về ngoại giao” đối với các bên xung đột ở châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung.
Với một hội nghị hòa giải có nhiều triển vọng tích cực như vậy, Việt Nam sẽ trở thành đầu mối quan trọng trong việc gắn kết Triều Tiên với ASEAN về sau, góp phần xây dựng một cộng đồng kinh tế Đông Á phồn thịnh không còn di sản nào của Chiến tranh lạnh trên lục địa. Đây là lợi thế lớn nhất giúp kiến tạo môi trường hòa bình cho khu vực, mà Việt Nam cũng như mỗi quốc gia thành viên Đông Á sẽ hưởng lợi rất lớn.
Áo phông in hình Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đắt khách ở Hà Nội
GS Alexander L.Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu, Mỹ): Mỹ và Triều Tiên chọn Việt Nam có thể do nhiều tiêu chí, như Việt Nam có quan hệ tốt với cả hai nước, đường đi đến Hà Nội đủ thuận tiện cho Chủ tịch Kim Jong-un, có đủ khách sạn đẳng cấp để phục vụ sự kiện, nước chủ nhà cũng đủ khả năng lo về an ninh.
Thêm nữa, Việt Nam là một hình mẫu tốt để Triều Tiên học tập. Xét về tiêu chí này thì Việt Nam hoàn toàn vượt trội so với các “ứng viên” khác như Thái Lan, Singapore, Mông Cổ hay kể cả Trung Quốc. Đặc biệt, tính biểu tượng của Việt Nam là điều mà Mỹ muốn nhấn mạnh vì Mỹ rất mong Triều Tiên đổi mới và mở cửa như Việt Nam. Mỹ muốn Triều Tiên thấy sự khả thi trong con đường của Việt Nam với an ninh ổn định, kinh tế phát triển và mọi mặt được cải thiện, đặc biệt là từ một nước cựu thù trở thành một đối tác quan trọng với Mỹ. Về phía Triều Tiên, mục tiêu chiến lược của Chủ tịch Kim là phát triển kinh tế. Ông cũng muốn tham khảo mô hình Việt Nam cho nên chuyến đi Việt Nam cũng là để tìm hiểu kinh nghiệm.
Do có quan hệ tốt với cả Triều Tiên lẫn các nước Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản nên Việt Nam đóng vai trò trung gian, cầu nối rất tốt giữa các nước này. Vai trò của Việt Nam về bản chất cũng tương tự như vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Chúng đều bắt nguồn từ vị thế của một quốc gia không đe dọa ai, thân thiện với các bên và có tiềm lực kinh tế để đảm đương vị trí trung gian.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - ĐH KHXH - NV TP.HCM): Nếu tổ chức thành công cuộc gặp thượng đỉnh, chắc chắn vị thế và hình ảnh của Việt Nam như một quốc gia có khả năng đăng cai các hội nghị cấp cao, và là trung gian hòa giải, góp phần mang lại hòa bình cho khu vực và thế giới sẽ tăng cao. Điều quan trọng hơn, Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm tổ chức, điều phối truyền thông và bảo đảm an ninh tuyệt đối cho cuộc gặp thượng đỉnh trong một thời gian chuẩn bị ngắn như thế. Đây là tiền đề cho Việt Nam tự tin hơn, chủ động đăng cai các cuộc gặp cấp cao lần sau. Ngoài ra, đây là cơ hội quảng bá cho hình ảnh Việt Nam, du lịch Việt Nam không dễ có khi nhiều nhà báo, hãng thông tấn trên toàn thế giới tới Hà Nội để đưa tin.
GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc): Cả Triều Tiên và Mỹ đều có đại sứ quán ở Hà Nội nên có thể thuận lợi cho hai bên trong các công tác hậu cần. Việt Nam được cả hai nước tin tưởng, có đủ khả năng đáp ứng về an ninh, chỗ ở và đi lại.
Việt Nam hiện có 2 vai trò lớn. Đầu tiên là bên điều phối thứ ba của tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, không chỉ vì vị trí chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh lần 2 mà còn trên cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và có thể hơn thế nữa. Vai trò thứ hai là mô hình khả dĩ cho Triều Tiên học tập và áp dụng khi tiến trình hòa bình có tiến triển tốt.
Triều Tiên và “phép màu” kinh tế Việt Nam
Trong đó, theo ông, ổn định chính trị là điều vô cùng quan trọng. Nếu chính sách liên tục thay đổi và nền chính trị bất ổn, khó có thể xác định được phương hướng của đất nước.
Kế đến là phải xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại để tạo nền tảng phát triển, đồng thời khuyến khích người dân tăng cường tích lũy. Dựa trên sự tích lũy này, chính phủ tiếp tục đưa ra các biện pháp chuyển nguồn nội lực tài chính của toàn dân thành sức mạnh đầu tư nội địa trong lĩnh vực tư nhân.
Bài học cuối cùng là cải cách và đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục.
Giám đốc ADBI nhận định Triều Tiên có tiềm năng phát triển kinh tế theo mô hình Việt Namvới điểm mạnh về cơ sở hạ tầng và ổn định chính trị, giúp mở đường thu hút tư nhân đầu tư vào cầu đường, giao thông cũng như các lĩnh vực khác.
“Việt Nam hoàn toàn có thể chia sẻ với Triều Tiên cách thức phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, Giáo sư Yoshino kết luận.
|
Theo thanhnien.vn