Việt Nam luôn coi trọng quan hệ ASEAN-EU
Các quan chức cao cấp ASEAN và EU chụp ảnh lưu niệm.
Cuộc họp nhằm đánh giá quan hệ ASEAN-EU thời gian qua và định hướng hợp tác trong thời gian tới, chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU tháng 8/2017 và xác định các hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN-EU (1977-2017). Dù đang phải đối mặt với thách thức cả trong lẫn ngoài châu Âu, EU khẳng định quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, liên kết khu vực, trong đó có hợp tác sâu rộng với ASEAN.
EU đánh giá ASEAN là đối tác quan trọng, thành công trong tiến trình liên kết khu vực (ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU và là thị trường thu hút đầu tư FDI lớn của EU). EU ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình ở Đông Á, đồng thời tiếp tục bày tỏ mong muốn sớm nâng cấp quan hệ ASEAN-EU lên đối tác chiến lược và tham gia sâu hơn vào các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), coi đây là những khuôn khổ quan trọng để EU cùng với ASEAN và các đối tác tham gia giải quyết các thách thức khu vực. EU cũng cam kết nỗ lực đẩy nhanh việc ký kết, hoàn tất đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thành viên ASEAN, trước mắt là với Singapore và Việt Nam, tới đây là Thái Lan, Indonesia…, qua đó tạo cơ sở tăng cường thương mại, đầu tư giữa hai bên, hướng tới một FTA giữa hai khối EU và ASEAN.
ASEAN mong muốn hai bên sớm hoàn tất Kế hoạch hành động giai đoạn 2018-2022 để tạo khuôn khổ đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa hai bên. Đánh giá cao các chương trình hỗ trợ của EU về thuận lợi hóa thương mại, giáo dục, phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công. ASEAN đề xuất EU có thêm các dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng dụng công nghệ cao.
Trước các thách thức toàn cầu ngày càng tăng, hai bên trao đổi nhiều biện pháp để tăng cường hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực như an ninh biển, an ninh mạng, chống khủng bố, quản lý biên giới, phòng chống buôn bán người, di cư trái phép… Hai bên cũng thảo luận về tình hình một số điểm nóng ở khu vực và trên thế giới. Phía EU khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tuyến đường vận tải 40% hàng hóa của EU; đề cao việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và EU sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm liên quan lĩnh vực này..
Cuộc họp các Quan chức cao cấp ASEAN và EU
Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-EU, hai bên nhất trí triển khai thêm các chương trình giao lưu văn hóa, giáo dục để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đồng thời ghi nhận những tiến triển trong đàm phán Hiệp định vận tải hàng không ASEAN-EU. Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU sắp tới, hai bên dự kiến sẽ thông qua Kế hoạch Hành động ASEAN-EU giai đoạn 2018-2022 và ra Tuyên bố chung nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-EU.
Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ ASEAN-EU, hai tổ chức khu vực quan trọng tại Đông Á và châu Âu, cùng chia sẻ nhiều lợi ích và tầm nhìn về ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới.
Ở cấp độ toàn cầu, Thứ trưởng ủng hộ quan điểm ASEAN và EU tiếp tục hợp tác để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, liên kết khu vực, tự do hóa thương mại, đề cao luật pháp quốc tế. Ở cấp độ khu vực, hai bên cần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các cộng đồng hướng đến người dân, lấy người dân làm trung tâm, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác và phát triển của mỗi quốc gia và khu vực.
Để thực hiện mục tiêu đó, các đối tác của ASEAN, trong đó có EU cần ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng dựa trên luật lệ, nâng cao hiệu quả các cơ chế khu vực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngoại giao phòng ngừa, quản lý xung đột ở khu vực. Thứ trưởng cũng chia sẻ quan điểm của Việt Nam về Biển Đông, đánh giá cao lập trường của EU đồng thời đề nghị EU tiếp tục ủng hộ các nỗ lực giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, thúc đẩy các bên thực hiện hiệu quả DOC và sớm xây dựng COC có tính ràng buộc về pháp lý./.
Theo dangcongsan