Trung Quốc lại ngang nhiên cải tạo đảo ở Hoàng Sa
Hiện nay, Trung Quốc bồi đắp, cải tạo Đảo Bắc bằng cách nạo vét bãi đá ngầm để làm móng cho một bến cảng. Theo giới phân tích, vẫn còn quá sớm để xác định mục đích của các hoạt động xây dựng ở Đảo Bắc. Nằm ở rìa bắc của quần đảo Hoàng Sa, cách căn cứ hải quân Ngọc Lâm của Trung Quốc 300km về phía đông nam, Đảo Bắc là nơi phù hợp để giám sát một khu vực mà đội tàu mặt biển và tàu ngầm đóng tại Ngọc Lâm phải thường xuyên đi qua. Khu vực bao gồm Đảo Bắc và Đảo Trung có kích thước và hình dáng thuận lợi để xây đường băng, với tổng diện tích khoảng 5km2. Trong khi đó, khu vực bồi đắp trên đá Chữ Thập rộng chưa đến 3km2.
Vì nằm gần căn cứ không quân trên đảo Phú Lâm nên khó có khả năng Đảo Bắc sẽ trở thành nơi xây dựng sân bay. Tuy nhiên, đảo Phú Lâm đã có nhiều cơ sở quân sự và dân sự, và còn rất ít bãi đá ngầm gần đó để hỗ trợ việc mở rộng. Sự chật chội trên đảo Phú Lâm được thể hiện qua việc đặt các tên lửa đất đối không HQ-9. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy, khu vực đặt tên lửa là một địa hình mới được bồi đắp, nơi cho đến tận cuối tháng 12/2015 vẫn là vùng nước nông có bãi san hô và mới được bồi đắp vào tháng 1/2016, có lẽ chỉ vài ngày trước khi bệ phóng tên lửa được chuyển tới.
Với một căn cứ không quân duy nhất cho quần đảo Hoàng Sa có tầm quan trọng chiến lược bị quá tải, 3 đường băng đã được xây ở Trường Sa (trên đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn), Trung Quốc có thể sẽ xây một căn cứ không quân nữa ở Hoàng Sa, ngay cả khi căn cứ này nằm ngay cạnh đảo Phú Lâm, The Diplomat nhận định.
Hỗ trợ ngư dân lấn biển
Những hoạt động của ngư dân Trung Quốc trên biển Đông là “bằng chứng” cho quyền và lợi ích trên biển của họ, ông Luo Baoming, Bí thư Đảng ủy Hải Nam, vừa nói tại kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc. “Các ngư dân đã sống dựa vào nghề đánh bắt hàng ngàn năm qua, nên họ là bằng chứng cho chủ quyền và lợi ích của chúng tôi”,Reuters dẫn lời ông Luo.
Chính quyền Hải Nam đang có chính sách khuyến khích ngư dân ra khai thác ở các vùng tranh chấp, và chính quyền trợ cấp cho họ để đi đánh bắt ở những vùng biển xa. Những năm gần đây, ngư dân Trung Quốc tiến sâu hơn xuống vùng biển ở Đông Nam Á để tìm kiếm ngư trường đánh bắt mới vì các vùng biển gần đã vơi hải sản. Các chuyên gia cho rằng, những tàu đánh cá tư nhân và tàu đánh cá thương mại đang được đẩy lên tuyến đầu trong chiến lược ngày càng hung hăng của Trung Quốc để bảo vệ cái mà họ coi là vùng biển chủ quyền của họ trong khu vực. “Chúng tôi khuyến khích ngư dân đi đánh bắt và hỗ trợ họ vì họ cần cá để sinh sống”, ông Luo nói. Quan chức này khẳng định, chính quyền hỗ trợ tài chính và nhiên liệu cho các ngư dân.
Khi được hỏi về những bài báo nói rằng Trung Quốc đang cải tạo ở nhóm đảo 7 (trong đó có Đảo Bắc và Đảo Trung), một quan chức địa phương liệt kê công trình bến tàu, nâng cấp hạ tầng, chống xói mòn và thiên tai là một trong các hoạt động mà Trung Quốc thực hiện. Tuy nhiên, ông Xiao Jie, Chủ tịch của cái gọi là thành phố Tam Sa mà Trung Quốc lập trái phép trên đảo Phú Lâm, không nói chính xác những hoạt động này diễn ra ở đâu.
Trung Quốc lập ra cái gọi là thành phố Tam Sa từ năm 2012 để quản lý các đảo mà nước này đang kiểm soát ở biển Đông. Trung Quốc cũng đang phát triển cơ sở hạ tầng cho internet di động trên 15 đảo và bãi đá ngầm, Reuters dẫn lời giới chức Hải Nam cho biết, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Theo tienphong