Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 10/02/2017

Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa ở Hoàng Sa

Đảo Phú Lâm ngày 28/1/201. Ảnh: CSIS/AMTI
Đảo Phú Lâm ngày 28/1/201. Ảnh: CSIS/AMTI

Trung Quốc đang chiếm 20 tiền đồn ở quần đảo Hoàng Sa và đã xây dựng, lắp đặt hàng loạt cơ sở quân sự trên 8 đảo. “Ba đảo trong số đó giờ đã có những cảng biển đủ khả năng tiếp nhận nhiều tàu quân sự và dân sự cỡ lớn. Bốn đảo khác có cảng nhỏ hơn, còn cảng thứ năm đang được xây dựng trên đảo Duy Mộng”, AMTI thông báo trên trang web của họ.

Theo AMTI, năm trong số các đảo này đã có bãi đỗ trực thăng, trong đó đảo Quang Hòa có căn cứ trực thăng đầy đủ. Trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa, có một đường băng, nhà chứa máy bay và bệ phóng tên lửa đất đối không HQ-9. AMTI cho rằng, việc tiếp tục mở rộng quân sự ở khu vực này trong tương lai có thể giúp Bắc Kinh củng cố hiện diện và thể hiện sức mạnh ở biển Đông.

“Không phải tất cả các tiền đồn ở Hoàng Sa đều đã có cơ sở hạ tầng đáng kể; một số đảo mới chỉ có một hoặc hai tòa nhà… Nhưng sự có mặt của những tòa nhà nhỏ và nhiều vật liệu xây dựng cho thấy Trung Quốc có thể đang chuẩn bị mở rộng những hòn đảo này”, AMTI nhận định. Trong khi đó, lãnh đạo Trung Quốc vẫn nhiều lần cam kết không quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông.

Lo cho an ninh Ấn Độ Dương

Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc phát triển hạ tầng dọc vành đai Ấn Độ Dương do lo ngại nguy cơ Bắc Kinh quân sự hóa trên tuyến vận tải biển mà một lượng lớn dầu của thế giới được vận chuyển qua.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang quân sự hóa trên biển Đông, Nhật Bản, nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu nhập khẩu, đặc biệt lo ngại. “Vâng, Trung Quốc là một mối đe dọa đối với chúng tôi trên biển Đông. Liệu Ấn Độ Dương có tương tự hay sẽ khác?”, trang tin tức ABC News của Úc dẫn lời ông Nobuo Tanaka, cựu quan chức Nhật Bản và giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế.

Hơn 80% lượng dầu thương mại của thế giới được vận chuyển qua ba cửa ngõ quan trọng của Ấn Độ Dương, gồm eo biển Hormuz, eo biển Malacca và Bab el-Mandab. “Khu vực này, Ấn Độ Dương, rất quan trọng với chúng tôi vì nó kết nối các nguồn năng lượng của chúng tôi ở Trung Đông với châu Á và đến Nhật Bản”, ông Tanaka nói trong một hội nghị về an ninh Ấn Độ Dương tại New Delhi diễn ra tuần này. Ông Tanaka cho biết, Nhật Bản lo ngại trước việc Trung Quốc đang phát triển đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn từ Trung Quốc xuyên qua Trung Á và Pakistan, hợp lại ở cảng nước sâu Karachi - nằm ở vị trí chiến lược gần cửa ngõ tiến vào vịnh Ba Tư. “Trung Quốc đang cố phát triển cái gọi là chiến lược “một vành đai, một con đường” và họ cũng đang mở rộng sức mạnh của họ ở khu vực này”, ông Tanaka nói.

Nỗi lo này được chia sẻ bởi chuyên gia từ những nước khác. “Điều đáng lo là khu vực này có thể ngày càng bị quân sự hóa”, ông Dhruva Jaishankar, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings ở Ấn Độ, nói. Nhà nghiên cứu này cho rằng, Ấn Độ Dương đang trở thành địa bàn cạnh tranh ngày càng quyết liệt, điều mà giới chuyên gia không dự đoán được cách đây một thập kỷ. Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Singapore và Ấn Độ đang đầu tư ồ ạt vào các miền duyên hải từ Iran đến Djibouti, từ Đông Phi đến Đông Nam Á.

Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 9/2, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Ngân hàng Trung Quốc vừa mở chi nhánh hoạt động phi pháp tại cái gọi là thành phố Tam Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tái khẳng định, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vì vậy, mọi việc làm của nước ngoài nếu có trong khu vực này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là không hợp pháp và không thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với khu vực này.

Theo tienphong

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready