Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 13/12/2014

Triều Tiên bắt cóc người nước ngoài để đào tạo gián điệp


Cố lãnh đạo Kim Jong-il - Ảnh: Reuters

Các nguồn tin ngoại giao giấu tên cho tờ The Washington Times (Mỹ) ngày 11.12 biết tài liệu mật này lần đầu tiên hé lộ chi tiết cố lãnh đạo Kim Jong-il, qua đời vào năm 2011, hồi tháng 9.1977 đã chỉ thị cho một đơn vị gián điệp, được gọi là Cơ quan Điều tra, tiến hành hàng chục vụ bắt cóc người nước ngoài và đem họ về Triều Tiên.

Những người nước ngoài bị bắt cóc được huấn luyện cách thu thập tin tình báo, bị ép làm điệp viên cho Triều Tiên và sau đó được trả về nước để thực hiện những hoạt động do thám và tuyên truyền cho Triều Tiên, bao gồm sản xuất phim, theo tài liệu mật của Triều Tiên.

Các nguồn tin ngoại giao khẳng định đây là tài liệu mật thật của chính quyền Triều Tiên, không phải giả mạo.

Theo tài liệu mật, ông Kim Jong-il, cha của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, lúc bấy giờ nói với các quan chức tình báo rằng việc huấn luyện những người nước ngoài trong độ tuổi 20 trong vòng 5-7 năm ở Triều Tiên sẽ tạo ra đội ngũ những điệp viên tình báo giá trị, và đội ngũ này vẫn còn có giá cho đến khi tuổi 60.

Ông Kim Jong-il sau đó ra lệnh cho các nhóm điệp viên sang Đông Nam Á, Trung Đông và Đông Âu để bí mật dụ dỗ rồi bắt cóc những thanh niên nam nữ trẻ tuổi. Ông nhấn mạnh phải nhắm vào mục tiêu là những người cô đơn hoặc là trẻ mồ côi.

Trong số những người bị Triều Tiên bắt cóc có nữ sinh Nhật 13 tuổi Megumi Yakota, biến mất khỏi Nhật Bản vào năm 1977. Yakota được đưa đến Triều Tiên bị giam cầm và sau đó qua đời.

Vào ngày 25.8.1977, Kim Jong-il ra lệnh thiết lập một đơn vị gián điệp ở Hồng Kông có nhiệm vụ mời những nữ diễn viên điện ảnh và quan chức Hàn Quốc đến thăm Hồng Kông. Từ đó điệp viên Triều Tiên sẽ được mời đến Hàn Quốc để sản xuất phim tuyên truyền cho Triều Tiên.

Đây được cho là động cơ của vụ bắt cóc nữ diễn viên Hàn Quốc Choi Eun-hee vào năm 1978 và chồng-đạo diễn của cô Choi là ông Shin Sang-ok.


Người dân đi ngang qua một tòa nhà ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên) - Ảnh: Reuters

Hai vợ chồng được đưa đến Triều Tiên để họ sản xuất phim tuyên truyền cho Triều Tiên. Nhưng họ đã trốn thoát vào năm 1986 trong một chuyến đi đến thủ đô Vienna của Áo.

Vào tháng 10.1978, theo tài liệu mật, ông Kim Jong-il ra lệnh cho các nhân viên tình báo thuyết phục những người nước ngoài bị bắt cóc “an cư lạc nghiệp” ở Triều Tiên. Cơ quan Điều tra đã sắp xếp cho những người bị bắt cóc sống thoải mái trong những nhà khách đặc biệt để từ đó tẩy não và biến họ thành điệp viên cho Triều Tiên.

Những vụ Triều Tiên bắt cóc người nước ngoài đã được biết đến từ lâu, nhưng vẫn chưa rõ vai trò của ông Kim Jong-il trong những vụ bắt cóc này.

Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Jang Il-hun từng lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng ông Kim Jong-il đứng sau chỉ thị những vụ bắt cóc công dân nước ngoài. Nhưng Bình Nhưỡng từng thừa nhận đã bắt cóc 11 công dân Nhật.

Các quan chức Nhật Bản và Triều Tiên hồi tháng 10.2014 từng hội đàm về vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc. Nhật Bản đã cam kết sẽ gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiến hành điều tra và trao trả những người Nhật bị bắt cóc.

Tài liệu mật này trở thành bằng chứng củng cố kết luận báo cáo nhân quyền mới đây của LHQ cho rằng Triều Tiên vi phạm tội ác chống lại nhân loại.

Triều Tiên “đã dùng lực lượng tình báo và hải quân của họ để tiến hành những vụ bắt cóc và bắt bớ. Những hoạt động này được lãnh đạo cấp cao nước này phê chuẩn”, theo báo cáo của LHQ.

Theo thanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready