Trái đất bước vào thời kỳ tuyệt chủng mới ?
Hãng tin BBC (Anh) ngày 22.6 cho biết theo nghiên cứu được thực hiện bởi 3 trường đại học danh tiếng của Mỹ, gồm Stanford, Princeton và Berkeley, các nhà nghiên cứu cho rằng các loài động vật có xương sống đã và đang dần biến mất với tốc độ nhanh hơn 114 lần so với bình thường.
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn đại tuyệt chủng thứ 6”, một nhà nghiên cứu cho biết.
Sự kiện tuyệt chủng gần nhất xảy ra là cách đây 65 triệu năm, đó là thời điểm mà loài khủng long bị tuyệt chủng bởi một thiên thạch lớn va vào Trái đất.
“Nếu sự kiện này xảy ra một lần nữa, sự sống sẽ phải mất hàng triệu năm để hồi phục và các chủng loài sẽ sớm diệt vong”, ông Gerardo Ceballos, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Các nhà khoa học đã xem lại lịch sử về tỉ lệ tuyệt chủng của các loài động vật có xương sống thông qua các bảng ghi chép hóa thạch. Họ nhận thấy tỉ lệ tuyệt chủng hiện tại có thể cao hơn 100 lần so với bình thường.
Báo cáo cũng cho thấy kể từ năm 1900, đã có hơn 400 loài động vật có xương sống bị biến mất và bình thường sự mất mát này chỉ xảy ra trong vòng 10.000 năm.
Kết quả nghiên cứu, được đăng trên trang tin khoa học Science Advances (Mỹ), nhấn mạnh nguyên nhân của nạn tuyệt chủng này chính là do sự thay đổi khí hậu, ô nhiễm và phá rừng.
Do hệ sinh thái đang bị phá hủy, những lợi ích thiên nhiên như quy trình thụ phấn của loài ong sẽ biến mất trong vòng 3 thế hệ loài người. Theo Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), có ít nhất 50 loài động vật đang trong bờ vực tuyệt chủng mỗi năm. Bên cạnh đó, khoảng 41% động vật lưỡng cư và 25% động vật có vú đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Cũng theo IUCN, loài vượn cáo đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Bên cạnh việc nơi sinh sống của loài này bị mất đi do nạn chặt phá rừng trái phép ở Madagascar, vượn cáo còn thường xuyên bị săn bắn để làm thịt.
Theo thanhnien