Tổ chức Y tế Thế giới báo động tác hại của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe con người
Báo cáo của WHO được công bố lần thứ hai với nhan đề “Ngăn ngừa dịch bệnh nhờ môi trường trong sạch: đánh giá tỷ lệ mắc bệnh dịch do môi trường” chỉ ra rằng: “Những yếu tố có nguy cơ về môi trường, như ô nhiễm không khí, nước và đất, tiếp xúc với hóa chất, biến đổi khí hậu hay tia cực tím, góp phần dẫn tới sự bùng phát của hơn 100 căn bệnh hoặc chấn thương.
Trong tuyên bố được đưa ra, WHO cũng nêu rõ: Kể từ khi công bố báo cáo lần đầu tiên cách đây 10 năm, 8,2 triệu trường hợp tử vong liên tiếp do các bệnh không truyền nhiễm bắt nguồn từ ô nhiễm không khí, trong đó có tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, các trường hợp đột quỵ, bệnh tim, ung thư và các bệnh hô hấp mãn tính hiện nay chiếm gần 2/3 số ca tử vong liên quan đến nguyên nhân môi trường.
"Tuy nhiên, số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy và sốt rét, thường liên quan đến tình trạng thiếu nước, thiếu vệ sinh và quản lý chất thải kém, đã suy giảm" – WHO cho biết, đồng thời lưu ý hiện tượng này được giải thích chủ yếu là do cải thiện việc tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường, cũng như tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ tiêm chủng, được nằm màn chống muỗi, chống côn trùng và được điều trị bằng những loại thuốc cần thiết.
Theo đánh giá ở cấp độ khu vực, các nước có thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương đã phải chịu gánh nặng bệnh tật do tác động của môi trường nặng nề nhất trong năm 2012, với tổng số 7,3 triệu ca tử vong, hầu hết trong số đó là do ô nhiễm không khí trong nhà và không khí ngoài trời.
"Sức khỏe của người dân chịu tác động bởi sự trong lành của môi trường" – Tổng giám đốc của WHO, Tiến sĩ Margaret Chan nhấn mạnh. "Nếu các nước không có biện pháp để người dân được sống và làm việc trong một môi trường lành mạnh thì hàng triệu người sẽ tiếp tục bị bệnh và tử vong sớm".
Bên cạnh đó, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng đề xuất những biện pháp thực sự hiệu quả mà các quốc gia có thể áp dụng để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan đến môi trường, như việc giảm sử dụng nhiên liệu rắn để nấu ăn và tăng cường tiếp cận với các công nghệ năng lượng phát thải khí carbon thấp.
Theo báo cáo, trẻ em và người cao tuổi là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các rủi ro về môi trường, trong đó tác động lớn nhất là đối với trẻ em dưới 5 tuổi và người trong độ tuổi từ 50 – 75. Quản lý môi trường tốt hơn cũng có thể giúp cứu được 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 4,9 triệu người trong độ tuổi từ 50 – 75 tử vong mỗi năm. Các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và bệnh tiêu chảy chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, trong khi các bệnh không lây nhiễm chủ yếu ảnh hưởng đến người già.
Báo cáo cũng nêu rõ phần lớn các trường hợp tử vong liên quan đến môi trường là do các bệnh tim mạch như đột quỵ và bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Theo dangcongsan