Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 29/12/2015

Thành lập cộng đồng ASEAN - Cơ hội và thách thức

Việc Cộng đồng ASEAN ra đời khẳng định thành quả to lớn của ASEAN kể từ khi thành lập, tạo thêm xung lực đưa ASEAN bước sang giai đoạn mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.

Cộng đồng ASEAN là đại diện cho mô hình cao nhất của hợp tác khu vực giữa các quốc gia thành viên, mở ra giai doạn phát triển mới về chất của một ASEAN gắn kết, chia sẻ lợi ích và cùng phát triển thịnh vượng và bền vững. Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Cộng đồng được hình thành dựa trên ba trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC).

Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) nhằm tạo dựng môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở Đông Nam Á gồm: Hợp tác chính trị; xây dựng và chia sẻ chuẩn mực ứng xử; ngăn ngừa xung đột; giải quyết xung đột; kiến tạo hòa bình sau xung đột; cơ chế thực hiện với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài. Cộng đồng Kinh tế (AEC) nhằm tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất có sự lưu thông tự do xuyên biên giới quốc gia của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và nhân lực trình độ cao. Trên cơ sở đó, tạo ra một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, một khu vực phát triển kinh tế đồng đều, một khu vực hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu, tạo sự hấp dẫn đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng chung cho 10 nước thành viên. Dự kiến, GDP của ASEAN sẽ tăng 7,1% và tạo ra 14 triệu việc làm cho 10 năm tới. Hiện nay, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 7 toàn thế giới với tổng GDP năm 2014 đạt 2.530 tỷ USD và kỳ vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030. Sự hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại cho kinh tế các nước thành viên thêm động lực để phát triển và nhờ đó, người dân ASEAN ngày càng được hưởng thụ mức sống cao hơn.

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) có mục tiêu phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN; xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ. ASCC có 4 lĩnh vực hợp tác chính: Tạo dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc; giải quyết những tác động xã hội của hội nhập kinh tế; phát triển môi trường bền vững; nâng cao nhận thức về bản sắc ASEAN. ASCC hướng tới các vấn đề con người như giáo dục, y tế, quản lý thảm họa và xóa đói giảm nghèo nhằm mục tiêu lấp dần khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thịnh vượng và ít thịnh vượng nhất của khu vực.

 Trong ba trụ cột, Cộng đồng Kinh tế (AEC) được coi là quan trọng nhất. Sự phát triển của AEC là tiền đề để thúc đẩy việc thực hiện tốt hai trụ cột còn lại.

Khi Cộng đồng ASEAN ra đời, thách thức lớn nhất của Việt Nam chính là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước bởi nền kinh tế thị trường của Việt Nam chuyển đổi sau một số nước trong khu vực. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức hết những cơ hội và thách thức khi Cộng đồng ASEAN ra đời và ngay từ bây giờ, phải suy nghĩ về cách thức đối diện với những cơ hội cũng như thách thức ấy, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập và đối mặt với xu thế mới của Cộng đồng.

Doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; có chiến lược kinh doanh phù hợp, có phương án kinh doanh đúng đắn, có tầm nhìn dài hơi, đánh giá đúng tác động của Cộng đồng Kinh tế (AEC) đối với ngành nghề mình đang kinh doanh… thì mới có thể biến thách thức thành cơ hội. Nhà nước thể hiện vai trò hỗ trợ tích cực, có những biện pháp thuận lợi hóa thương mại, cải cách hành chính có hiệu quả, giảm phiền hà và chi phí cho doanh nghiệp, làm tốt công tác đào tạo  nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, đẩy nhanh việc sửa đổi luật pháp phù hợp các quy tắc chung của ASEAN, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt những cơ hội mà ASEAN đem lại.

Việt Nam đã tham gia đầy đủ vào các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và quan hệ đối ngoại; thực hiện nghiêm túc các cam kết và thỏa thuận, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN. Việt Nam tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm, thúc đẩy Cộng đồng ASEAN vì mục tiêu gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân tất cả các nước thành viên và khu vực.

Theo baodaklak

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready