Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh về Biển Đông tại tp Daejeon năm 2015 (Anhr vov.vn)

Triển lãm ảnh về Biển Đông tại Hàn Quốc

Ngày 10/7, tại Hội quán văn hóa quận Dongdaemun, thủ đô Seoul đã diễn ra triển lãm ảnh về Biển Đông. Đây là hoạt động do Hội gia đình đa văn hóa Việt – Hàn phối hợp với Trung tâm nhịp cầu văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức trong khuôn khổ chương trình “Ngày Văn hóa Việt Nam lần thứ 2”.

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Lee Min-keon, Chủ tịch Hội gia đình đa văn hóa Việt – Hàn tại Hàn Quốc nêu rõ Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng đối với tất cả các nước trong và ngoài khu vực nên việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông là trách nhiệm của tất cả các nước và là yếu tố quan trọng để đảm bảo hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế. Việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép và có các hoạt động nhằm quân sự hóa tại khu vực này chính là nguyên nhân gây căng thẳng, tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định và an toàn hàng hải tại khu vực này.

Ông Lee Min-keon nhấn mạnh, qua triển lãm ảnh lần này, Ban tổ chức muốn giới thiệu rõ hơn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, về những hành động bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển này, qua đó mang đến cho người xem cái nhìn trực quan về hiện trạng những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông, đặc biệt là sự thay đổi của các thực thể bãi, đá trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Ban Tổ chức cũng mong muốn góp thêm tiếng nói cùng dư luận chung kêu gọi chấm dứt hành động xây dựng trái phép ở Biển Đông, đồng thời hối thúc các nước trong và ngoài khu vực cùng hành động có trách nhiệm để duy trì hòa bình, ổn định, an toàn hàng hải và bảo vệ nguồn sinh thái ở Biển Đông.

Đây là cuộc triển lãm ảnh về Biển Đông lần thứ 7 diễn ra tại Hàn Quốc, trong đó trưng bày 50 bức ảnh thuộc 6 chủ đề gồm các bức ảnh tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; hình ảnh Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng, xây dựng đảo nhân tạo trái phép và đẩy mạnh quân sự hóa ở trên các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở Biển Đông; phong trào của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phản đối Trung Quốc tiến hành hành động phi pháp, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam và hình ảnh các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Liên minh châu Âu  tiếp tục cấm vận kinh tế Nga

Ngày 1-7, Liên minh châu Âu đã tuyên bố gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào các lĩnh vực dầu mỏ, tài chính và quốc phòng của nền kinh tế Nga cho đến ngày 31-1-2017, với lý do các điều khoản của thỏa thuận hòa bình Minsk tháng 2-2015 "không được thực thi đầy đủ". Theo đó, hạn chế tiếp cận các thị trường tài chính sơ cấp và thứ cấp của Liên minh châu Âu đối với 5 thực thể tài chính nhà nước lớn của Nga và các công ty chi nhánh được thành lập bên ngoài Liên minh châu Âu, cũng như 3 tập đoàn năng lượng và 3 tập đoàn quốc phòng lớn của Nga.

Ngay lập tức, Nga đã ra tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ quyết định trên của Liên minh châu Âu, đồng thời nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không làm Moskva thay đổi đường lối. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng động thái của Liên minh châu Âu là “thiển cận" và “vô lý” khi liên kết các biện pháp trừng phạt với việc không đạt được tiến triển trong thực hiện thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở miền Ðông Ukraine.

Các nhà phân tích cho rằng, việc gia hạn các sắc lệnh cấm vận kinh tế trên sẽ làm cả Nga và Liên minh châu Âu tiếp tục thiệt hại nặng nề về kinh tế. Bởi hiện Nga đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Âu. Do vậy, việc tiếp tục đánh vào nền kinh tế Nga cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ phải hứng chịu những hậu quả cũng chẳng ít hơn so với các công ty của Nga. Theo thống kê, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Nga và Liên minh châu Âu chỉ còn 235,7 tỷ USD trong năm 2015, giảm đáng kể so với con số 417,7 tỷ USD năm 2013, trước khi có các lệnh cấm vận kinh tế. Trong khi đó, về phần mình, Liên minh châu Âu cũng bị thiệt hại lên tới 44 tỷ euro.

Australia bế tắc chính trị sau bầu cử

Ngày 3/7, theo Ủy ban Bầu cử Australia (AEC), Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền của Thủ tướng Malcolm Turnbull chỉ giành được 71 ghế tại Hạ viện, trong khi Công đảng đối lập do ông Bill Shorten  đứng đầu giành được 68 ghế. Các ứng cử viên độc lập và các đảng khác chỉ giành được 5 ghế. Như vậy, không có đảng nào giành đủ đa số ghế để đứng ra thành lập chính phủ mới.

Với kết quả này, Australia đang đối mặt với nguy cơ có một “Quốc hội treo” lần thứ ba (lần thứ nhất vào năm 1941 và lần thứ hai vào năm 2010). Mặc dù vậy, không một đảng nào tại Australia mong muốn bế tắc chính trị này kéo dài vì điều này sẽ ảnh hưởng đến các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và Quốc hội; lo ngại hơn là làm suy giảm lòng tin của cử tri vào tính hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền mới trong tương lai.

Ngày 4/7, lãnh đạo Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền và Công đảng đối lập đã bắt đầu thương lượng với các nghị sỹ độc lập nhằm hội đủ 76 ghế cần thiết tại Hạ viện gồm 150 ghế để thành lập chính phủ. Theo Thượng nghị sỹ Arthur Sinodinis thuộc đảng Tự do, điều này là rất quan trọng trong bối cảnh tình hình phức tạp “bất phân thắng bại” hiện nay, bởi người dân Australia luôn mong muốn có một chính phủ ổn định, mọi đảng phái, nghị sỹ hợp tác trong Quốc hội.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng với kết quả sít sao như vậy cũng không loại trừ khả năng cả hai bên đều được số ghế bằng nhau và trong trường hợp các đảng khác hay các nghị sỹ độc lập không đứng về phía Liên đảng hay Công đảng, thì Australia sẽ phải tiến hành bầu cử lại trong vòng 12 tháng sau đó.

Thủ tướng Israel thăm châu Phi

Từ ngày 4 đến 7/7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có chuyến công du lịch sử đến châu Phi, nhằm củng cố quan hệ và tìm kiếm các đồng minh mới. Đây là chuyến thăm châu Phi đầu tiên của một thủ tướng Israel kể từ chuyến thăm Maroc của cố Thủ tướng Yitzhak Rabin năm 1994.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Israel đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh khu vực châu Phi Nam Sahara diễn ra tại Kenya. Tại đây, Thủ tướng Netanyahu đã hội đàm với các nhà lãnh đạo châu Phi là Uganda, Kenya, Rwanda, Nam Sudan, Ethiopia, Zambia và Tanzania; thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác trong tương lai. Thủ tướng Israel đã công bố một gói viện trợ ban đầu, trị giá 13 triệu USD, để hỗ trợ các nước châu Phi trong các lĩnh vực kinh tế, phát triển nông nghiệp, quản lý tài nguyên nước và y tế. Tại Uganda, nhà lãnh đạo Israel đã tham dự lễ kỷ niệm 40 năm chiến dịch giải cứu hơn 100 con tin Uganda tại sân bay quốc tế Entebbe của Uganda.

Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm châu Phi của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một nỗ lực làm tan băng mối quan hệ giữa hai bên, chấm dứt nhiều thập kỷ đối địch và nối lại quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Israel và các nước châu Phi, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của Lục địa Đen trong các cuộc bỏ phiếu về vấn đề Israel tại Liên hợp quốc cũng như các diễn đàn quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, quan hệ ngoại giao với các quốc gia châu Phi cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với Israel khi châu Phi vốn đang ngày một chủ động hơn trong các mối quan hệ bên ngoài Liên minh.

Chính phủ Pháp thông qua dự luật lao động gây nhiều tranh cãi

Ngày 5/7, Thủ tướng Pháp Manuel Valls một lần nữa sử dụng điều 49-3 trong Hiến pháp để thông qua dự luật lao động sửa đổi mà không cần Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Theo đó, các chủ doanh nghiệp có thể sa thải nhân công trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải tái cơ cấu để cứu doanh nghiệp, hoặc giảm sút các đơn đặt hàng và doanh thu. Trong trường hợp bị sa thải, người lao động chỉ được hưởng tiền bồi thường tối đa tương đương với 15 tháng lương dù họ có thâm niên làm việc 20 năm. Dự luật cũng đề nghị phá khung làm việc 35 giờ/tuần hiện tại và đưa ra quy định linh hoạt với số giờ làm việc có thể lên đến 46 giờ/tuần trên cơ sở có sự thảo luận và nhất trí giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.

Tuy nhiên, dự luật lao động cải cách này ngay khi được đưa ra đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp. Những người phản đối cho rằng dự luật mới này đã đi quá xa, quá ưu ái giới chủ và đe dọa các quyền cơ bản của người lao động vốn luôn được luật pháp nước này bảo vệ.

Theo các nhà phân tích, việc Chính phủ Pháp lần thứ hai sử dụng Điều 49-3 trong Hiến pháp để thông qua dự luật lao động sửa đổi mà không cần Quốc hội bỏ phiếu thông qua sẽ tiếp tục châm ngòi cho những bất ổn về chính trị và an ninh. Động thái này sẽ có thể khiến chính trường Pháp chao đảo vì các cuộc biểu tình bạo loạn, gây thêm sức ép đòi Tổng thống Francois Hollande phải từ chức.

Mỹ thay đổi chiến thuật tại Afghanistan

Ngày 6/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ duy trì khoảng 8.400 binh sĩ tại Afghanistan tới năm 2017, thay vì giảm xuống 5.500 quân nhân như kế hoạch trước đó. Theo ông Obama, sự điều chỉnh kế hoạch rút quân lần này là do tình hình an ninh tại Afghanistan có những diễn biến xấu, đòi hỏi những cân nhắc thận trọng và các quyết định mang tính phòng ngừa.

Ngay lập tức, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã tuyên bố hoan nghênh quyết định trên của Tổng thống Mỹ. Theo ước tính của Liên hợp quốc, Taliban hiện chiếm giữ nhiều phần lãnh thổ của Afghanistan. Chính vì vậy, dư luận quan ngại rằng, việc cắt giảm mạnh số binh sỹ Mỹ đồn trú tại Afghanistan có thể khiến chính phủ nước sở tại phải chịu sức ép ngày càng gia tăng từ lực lượng Taliban và các nhóm phiến quân khác.

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh chính quyền Kabul đang phải chịu sức ép ngày càng gia tăng từ lực lượng Taliban, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố duy trì khoảng 8.400 binh sĩ tại Afghanistan tới năm 2017 thay vì giảm xuống 5.500 quân nhân như kế hoạch trước đó là một quyết định sát thực tế. Bởi người Afghanistan cần có thêm sự hỗ trợ của Washington để đẩy lui phiến quân Taliban, đồng thời duy trì những thành quả đã đạt được trong gần 15 năm qua tại quốc gia Tây Nam Á này, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Nước Anh dự kiến có  nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử

Ngày 7/7, theo kết quả vòng bỏ phiếu thứ hai của đảng Bảo thủ cầm quyền, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May tiếp tục giành chiến thắng áp đảo với 199 phiếu ủng hộ. Đứng thứ hai là Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom với 84 phiếu ủng hộ. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove chỉ nhận được 46 phiếu ủng hộ. Theo quy định của đảng Bảo thủ, ứng cử viên nam duy nhất là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove đã bị loại vì nhận được ít sự ủng hộ của các thành viên trong đảng.

Trong những ngày tới, danh sách đề cử rút gọn với hai ứng cử viên đều là nữ này sẽ được các thành viên nòng cốt của đảng Bảo thủ trên toàn nước Anh tiến hành bầu chọn và người chiến thắng sẽ trở thành lãnh đạo đảng cũng như Thủ tướng mới thay thế ông David Cameron, người đã quyết định từ chức sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 vừa qua. Dự kiến kết quả cuộc bầu chọn Thủ tướng mới sẽ được công bố vào ngày 9/9 tới. Hiện đang có một số lời kêu gọi đẩy nhanh quá trình bầu chọn này sớm hơn để nước Anh có một nhà lãnh đạo giải quyết hậu Brexit .

Như vậy, sau hai vòng bỏ phiếu của đảng Bảo thủ cầm quyền, chắc chắn nước Anh sẽ có một nữ Thủ tướng cầm quyền. Và dù ai trong số hai ứng cử viên nữ này trở thành chủ nhân số 10 phố Downing cũng đều phải đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức để điều hành đất nước thời “hậu” Brexit với một vị thế đã khác xa so với trước.

Theo dangcongsan