Quốc vương Ả Rập Xê Út băng hà
Mộ của Quốc vương Ả Rập Xê Út Abdullah (ảnh nhỏ) tại nghĩa trang Riyadh - Ảnh: Reuters
|
AFP dẫn thông báo của Hoàng gia Ả Rập Xê Út cho biết Quốc vương Abdullah băng hà lúc 1 giờ sáng 23.1. Nguyên nhân qua đời không được tiết lộ nhưng cuối năm ngoái, nhà vua đã phải nhập viện do viêm phổi. Thái tử Salman bin Abdulaziz al-Saud, hoàng đệ cùng cha khác mẹ của Quốc vương, chính thức trở thành người trị vì mới của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới Ả Rập.
Theo truyền thống Hồi giáo, tang lễ đã diễn ra ngay trong chiều tối 23.1 tại thủ đô Riyadh với hàng ngàn người tham dự, bao gồm các tỉ phú dầu mỏ và những chức sắc đầy quyền lực của Hồi giáo. Lãnh đạo các nước Ả Rập vội rời Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ để có mặt tại tang lễ. Các lãnh đạo phương Tây tuy không tham dự nhưng đều dùng những lời tốt đẹp nhất để tưởng nhớ Quốc vương Abdullah. Ngay cả đối thủ lớn của Ả Rập Xê Út là Iran cũng bày tỏ chia buồn trong khi Israel ca ngợi Quốc vương Abdullah đã “đóng góp cho sự ổn định của Trung Đông bằng các chính sách khôn ngoan của mình”.
Ngôi mộ vô danh
|
Cũng theo truyền thống Hồi giáo, ngay sau kết thúc tang lễ, Quốc vương Abdullah (và tất cả các thành viên hoàng gia qua đời trước ông) được an táng trong một ngôi mộ vô danh tại nghĩa trang Riyadh. Điều này trái ngược hoàn toàn với quyền lực và sức ảnh hưởng của người nắm quyền tối cao tại Ả Rập Xê Út trong nhiều thập niên. Quốc vương Abdullah nằm trong số những vị quân chủ giàu nhất thế giới và thường xuyên có mặt trong danh sách những nhân vật quyền lực nhất do tạp chí Forbes bình chọn (năm 2014 đứng thứ 11, năm 2013 thứ 8).
Quốc vương Abdullah sinh năm1924. Ông đứng thứ 13 trong 37 con trai của Quốc vương Abdul Aziz al-Saud, vị vua đầu tiên của vương triều al-Saud. Năm 1953, vua Abdul Aziz qua đời và 5 người anh của Abdullah (có cả cùng cha khác mẹ) lần lượt lên ngôi. Trong nhiều thập niên, ông trải qua các vị trí lãnh đạo quan trọng và ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực lẫn thế giới. Năm 1980, danh tiếng của ông càng tăng cao sau khi làm trung gian hòa giải thành công căng thẳng giữa Jordan và Syria, giúp tránh một cuộc chiến tranh. Năm 1982, Abdullah dàn xếp được cuộc chiến giành quyền với các anh em khác để lên ngôi thái tử. Năm 2005, Quốc vương Fahd băng hà và ông chính thức trở thành quốc vương thứ 6 của Vương triều Saud.
Theo Reuters, vua Abdullah được biết đến như một nhà lãnh đạo cương trực, khéo léo và đặc biệt chú trọng duy trì ổn định. Ông trở thành đồng minh quan trọng nhất của phương Tây trong thế giới Ả Rập, có tiếng nói nặng ký về hòa bình Trung Đông và chống Hồi giáo cực đoan, nhưng vẫn luôn giữ thế chủ động trong quan hệ với Mỹ hay Israel. Dưới thời Quốc vương Abdullah, Ả Rập Xê Út duy trì vị trí thủ lĩnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Ngoài ra, ông cũng đã có những cải cách thận trọng, đặc biệt là mở rộng phần nào quyền hạn của phụ nữ và cho phép họ tham gia Hội đồng Shura, cơ quan cố vấn cho chính phủ và hoàng gia. Đáng kể hơn là Quốc vương Abdullah tìm cách giảm bớt sự xa hoa và chuyên quyền của các thành viên hoàng tộc, ra lệnh cho họ phải trả tiền điện thoại và đặt vé máy bay trước cho hãng hàng không quốc gia.
Vua mới, chính sách cũ
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời giới quan sát nhận định tân vương Salman, 79 tuổi, sẽ tiếp nối những chính sách đã có của vua anh. Sau khi lên ngôi hôm qua, ông hầu như giữ nguyên thành phần nội các cũ, chỉ bổ nhiệm con trai là hoàng tử Mohammed bin Salman al-Saud làm Bộ trưởng Quốc phòng. Vì thế, Ả Rập Xê Út vẫn sẽ giữ quan hệ khắng khít nhưng không thật sự êm đẹp hoàn toàn với Mỹ. Hai bên vẫn đang rất cần nhau trong nhiều vấn đề như dầu mỏ, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo và ổn định khu vực. Tuy nhiên, dưới thời Quốc vương Abdullah, Riyadh ngày càng tỏ ra không hài lòng với việc chính quyền Mỹ đổi cách tiếp cận với Iran cũng như không mạnh tay hỗ trợ phe nổi dậy tại Syria.
Khi còn tại thế, Quốc vương Abdullah rất chú trọng cuộc đua giành ảnh hưởng và vị trí thủ lĩnh khu vực với Iran. Căng thẳng giữa 2 nước được cho là sẽ tiếp tục nhưng trong thời gian ngắn hạn sắp tới, có thể Ả Rập Xê Út sẽ thận trọng hơn trong đối ngoại để bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ.
Theo AFP, hôm qua, giá dầu đã tăng đến 3,1% sau khi thông tin về việc Quốc vương Abdullah băng hà được công bố. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây chỉ là hiện tượng nhất thời vì Ả Rập Xê Út vẫn sẽ duy trì chính sách lâu nay về dầu mỏ và phải chờ thêm vài ngày mới có thể đánh giá được vấn đề.
Theo thanhnien