Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 06/06/2016

Quốc tế kêu gọi tôn trọng luật pháp, Trung Quốc phớt lờ

Ngày 5/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 kết thúc với vấn đề đảm bảo sự ổn định, tự do, an ninh, an toàn ở biển Đông được quan chức, học giả các nước quan tâm đặc biệt. 

Các đại biểu cho rằng, nếu những tranh chấp hiện nay không được giải quyết kịp thời, một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế thì sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, đối đầu chiến lược với các hậu quả nghiêm trọng, khó lường.

Ngày 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố, Pháp đặc biệt quan tâm vấn đề tự do, an toàn, an ninh hàng hải tại biển Đông; các nước cần tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở đối thoại, xây dựng lòng tin. Việc không tuân thủ Luật Biển ở biển Đông sẽ tạo tiền lệ xấu ảnh hưởng các vùng biển khác. Tuy nhiên, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2016 rằng, Bắc Kinh sẽ không công nhận phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. “Chúng tôi không sợ rắc rối”, ông Tôn nói.

Bên lề Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và hai đô đốc Hải quân Mỹ trả lời các câu hỏi của phóng viên về Trung Quốc. Cả ba quan chức Mỹ đều đề cập thực trạng Trung Quốc ngang nhiên nạo vét, cải tạo các bãi cạn, đá ngầm tranh chấp ở biển Đông thành đảo nhân tạo, rồi xây dựng đường băng, tiền đồn quân sự trên đó. 

Đô đốc John Richardson tuyên bố: “Chúng tôi thách thức các tuyên bố chủ quyền biển quá đáng, đồng thời thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ”. Đô đốc Harry Harris nói: “Chúng tôi muốn hợp tác với Trung Quốc trong tất cả lĩnh vực, càng nhiều càng tốt, nhưng chúng tôi phải đương đầu nếu chúng tôi phải làm thế”. Bộ trưởng Carter nói rằng, Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp cho mạng lưới an ninh khu vực dựa trên nguyên tắc, bao gồm “không ép buộc, các nước tự quyết định, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình…”.

Cùng ngày, hội đàm bên lề Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và người đồng cấp Anh Michael Fallon nhất trí hai nước sẽ tiếp tục chia sẻ quan điểm về tình hình ở biển Đông, bày tỏ mong muốn hỗ trợ các thành viên ASEAN nâng cao năng lực trong lĩnh vực hàng hải, an ninh biển. 

Cũng bên lề Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói rằng, các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông cần giải quyết các tranh chấp, bất đồng một cách hòa bình. ASEAN phải đảm bảo sự đoàn kết nội khối, không để bị các nước lớn gạt ra ngoài cuộc chơi.

Mỹ cảnh báo Bắc Kinh lập ADIZ trên biển Đông

Ngày 5/6, trước báo giới Mông Cổ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, nếu Trung Quốc áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông, Mỹ sẽ coi đó là hành động “khiêu khích, gây mất ổn định”. “Hành động đó sẽ tự động khiến căng thẳng gia tăng và khiến người ta nghi ngờ cam kết của Trung Quốc về việc xử lý các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông bằng biện pháp ngoại giao. Vì vậy, chúng tôi thúc giục Trung Quốc không hành động đơn phương theo các cách mang tính gây hấn”, ông nói.

Theo tienphong

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready