Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tham gia đoàn có hơn 40 đại biểu đại diện Trung ương Hội và các tỉnh Hội hữu nghị Lào-Việt Nam, đại diện các cơ quan, tổ chức quần chúng, cơ quan báo chí của Lào và thân nhân Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Đoàn đại biểu nhân dân Lào sang tham dự chương trình “Theo dấu chân Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Phó Thủ tướng cho rằng, đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng được Hội hữu nghị hai nước tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm quốc khánh Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và 95 năm ngày sinh Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

Phó Thủ tướng khẳng định, hai dân tộc Việt Nam và Lào sớm có mối quan hệ hữu nghị và tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào được thành lập và đảm trách sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân hai nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản không chỉ là nhà lãnh đạo xuất sắc, chiến sĩ cách mạng kiên cường của Đảng và nhân dân Lào mà còn là người bạn lớn, thân thiết, thủy chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Cùng với Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nền móng và vun đắp cho tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt - Lào trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trên thế giới.

Phó Thủ tướng đánh giá, hoạt động “Theo dấu chân Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản” tại Việt Nam lần này giúp các đại biểu Lào hiểu biết sâu sâu sắc hơn về quá trình hoạt động của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản trên đất nước Việt Nam và mối quan hệ keo sơn, gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào; đồng thời tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc.

Trưởng đoàn đại biểu Lào, đồng chí Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm cảm ơn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp Đoàn và cho biết, tháng 5 vừa qua, nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội hữu nghị Việt Nam-Lào, Hội hữu nghị Lào-Việt Nam đã tổ chức hoạt động “Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tới những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng hoạt động trên đất nước Lào.

Đồng chí Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm đã thông báo hành trình tại Việt Nam, Đoàn đã đến thăm những nơi đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản từng học tập và hoạt động tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đó là Khu di tích bản Lao Khô (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), nơi thành lập Ban Xung phong Lào – Bắc năm 1948 do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm Trưởng ban; nơi tổ chức Đại hội trù bị của Đại hội II Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) – Đại hội do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản chủ trì tại Hòa Bình; địa điểm thành lập Đội vũ trang đầu tiên của Lào năm 1949 (Đội vũ trang Lát-xa-vông do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản lãnh đạo) tại xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; Khu di tích cách mạng Lào tại xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang)-nơi tổ chức Đại hội Mặt trận Neo Lào Ít-xa-la, bầu Chính phủ kháng chiến Lào trong đó đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Những địa điểm này in dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Lào, khởi nguồn cho những quyết sách lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Lào, cũng là nơi chứng kiến tình hữu nghị gắn bó Việt-Lào, do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông dày công vun đắp.

Đồng chí Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm cho biết, Đoàn đại biểu nhân dân Lào đã hiểu sâu sắc hơn về công lao, sự cống hiến của các vị lãnh đạo tiền bối đối với sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc; cảm nhận được sự đùm bọc, gắn bó của nhân dân địa phương đối với những bậc tiền bối của cách mạng Lào. Qua hành trình này, thế hệ trẻ của Lào sẽ tiếp tục giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của hai đất nước; trong đó hai hội hữu nghị hai nước sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa nhằm góp phần đưa quan hệ đối ngoại nhân dân hai nước ngày càng được tăng cường và phát triển.

Nhấn mạnh về sự ủng hộ giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào trước đây cũng như hiện nay, trong đó công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Lào, đồng chí Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm bày tỏ, trong thời gian tới những khu di tích cách mạng Lào tiếp tục được gìn giữ, tu bổ để trở thành những địa chỉ đỏ, những trung tâm giao lưu nhằm tăng cường cường tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam-Lào.

Nhất trí với những kiến nghị của đồng chí Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ giao Bộ Quốc phòng, các địa phương quản lý những di tích trên nghiên cứu, có phương án báo cáo để thời gian tới tiếp tục công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy tốt hơn nữa giá trị các địa danh lịch sử Lào tại Việt Nam, góp phần xây dựng mối quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc Việt-Lào ngày càng bền vững.

Theo dangcongsan