Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 21/10/2016

Pháp muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Việt Nam

Ngày 2/5, tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre, một trong những tàu lớn nhất của Hải quân Pháp, cập cảng quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), mở đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức kéo dài 5 ngày tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Ngày 2/5, tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre, một trong những tàu lớn nhất của Hải quân Pháp, cập cảng quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), mở đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức kéo dài 5 ngày tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong cuộc họp báo đầu tiên hôm 20/10 trên cương vị mới, Đại sứ Bertrand Lortholary nói rằng, quan hệ Việt - Pháp “rất đặc biệt”, vừa lâu đời vừa phát triển hết sức mạnh mẽ. Đại sứ cho biết, bốn ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông ở Việt Nam gồm: thúc đẩy hợp tác kinh tế lên mức tương xứng với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu; và đưa Pháp đến gần với thanh niên Việt Nam hơn.

Về lĩnh vực quốc phòng, Đại sứ Lortholary cho biết, hợp tác giữa hai nước trong những năm qua chủ yếu  về quân y và đào tạo sĩ quan cao cấp, nay hướng đến việc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, Pháp mong muốn tham gia hiện đại hóa trang thiết bị cho quân đội Việt Nam. Đại sứ nói rằng, Pháp có những công nghệ, trang thiết bị có thể đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam. “Hiện tại có một số cuộc thương lượng, trao đổi về các dự án cụ thể và tôi hy vọng sẽ sớm có kết quả cụ thể”, ông nói.

Kiểm soát chất lượng không khí Hà Nội bằng công nghệ Pháp

Pháp muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Việt Nam ảnh 1
Đại sứ Pháp Bertrand Lortholary trong buổi họp báo ngày 20/10. Ảnh: Thu Loan.

Trước tình trạng không khí Hà Nội đang bị ô nhiễm, Đại sứ Lortholary cho biết, Airparif là tổ chức chuyên giám sát chất lượng không khí vùng Paris của Pháp. Phía Pháp đang hướng đến việc ký kết một hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa Airparif với UBND thành phố Hà Nội để không chỉ kiểm soát được chất lượng không khí ở thủ đô Việt Nam mà còn đưa ra những khuyến nghị chính sách công để cải thiện tình hình.

Trong khi Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu, Đại sứ Lortholary cho biết, Pháp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và có thể chia sẻ với Việt Nam. Các doanh nghiệp Pháp cũng có thể cung cấp nhiều loại dịch vụ, công nghệ để xử lý những vấn đề liên quan biến đổi khí hậu. Trong số những dự án sắp được triển khai ở Việt Nam có dự án chống nước biển dâng và sụt lở bờ sông ở tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh và thành phố Cần Thơ.

Về hợp tác kinh tế, Đại sứ Lortholary cho biết, ông muốn thúc đẩy lĩnh vực này lên mức tương xứng với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Đánh giá về nền kinh tế của Việt Nam, Đại sứ Pháp nói rằng, từ lâu Pháp đã lựa chọn Việt Nam để phát triển quan hệ kinh tế do mức tăng trưởng cao và triển vọng của kinh tế Việt Nam, và Việt Nam cũng có thể trở thành cửa ngõ để Pháp tiếp cận thị trường ASEAN.

Trả lời câu hỏi về lý do dự án đường sắt đô thị số 3 của Hà Nội với sự tham gia của nhà thầu Pháp bị chậm, Đại sứ Lortholary nói rằng, đây là dự án lớn mà Pháp hợp tác với Việt Nam để thực hiện. Dự án được chia ra thành các gói thầu và hợp đồng nhỏ. Một số hợp phần của dự án đã được triển khai và có thể nhìn thấy kết quả cụ thể trên công trường. “Hiện có một hợp đồng lớn liên quan hệ thống thông tin tín hiệu và đầu máy toa xe của dự án mà hai bên đang thương thảo với nhau. Chúng tôi hy vọng hợp phần rất lớn này sớm được ký kết”, Đại sứ nói.

Để đưa Pháp đến gần với thanh niên Việt Nam hơn, phía Pháp sẽ thực hiện các chương trình về giáo dục, nhằm thúc đẩy giảng dạy tiếng Pháp tại các trường phổ thông, đại học của Việt Nam, gắn hoạt động đào tạo với cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp Pháp, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam sang Pháp du học bằng học bổng. Hiện có 7.000 sinh viên Viât Nam đang du học tại Pháp.

Về việc cải tạo cầu Long Biên, Đại sứ Bertrand Lortholary nói đây là hình ảnh biểu tượng cho mối quan hệ lâu đời Việt - Pháp. Đối với công trình này cũng như các dự án hạ tầng khác của Việt Nam, Pháp sẵn sàng chia sẻ công nghệ của mình.

Đại sứ Pháp Bertrand Lortholary bắt đầu đảm nhiệm chức vụ tại Việt Nam từ 12/9/2016. Trước khi tới Việt Nam, ông từng là Tham tán chính trị Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh từ năm 2005 đến 2008.

Từ 2008 đến 2012, ông là cố vấn cho Tổng thống Pháp về châu Á và châu Đại dương. Từ 2012 đến 2016, ông được bổ nhiệm Tổng lãnh sự Pháp tại New York.

Theo tienphong

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready