Những người chiến đấu chống Ebola là 'Nhân vật của năm 2014'
|
Trong bài viết đăng trên TIME ngày 10.12, biên tập viên Nancy Gibbs đã giải thích lý do cho sự lựa chọn này của tạp chí Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, vi rút Ebola chỉ như một “con quái vật bí ẩn ở những ngôi làng hẻo lánh của châu Phi, cứ vài năm lại đòi một mạng người rồi rút về trú trong hang động của mình”, bà viết.
Thế nhưng, trong năm 2014, Ebola bùng phát tại Liberia, Guinea và Sierra Leone, lan sang Nigeria và Mali rồi vượt khỏi châu Phi để vươn tới Tây Ban Nha, Đức và Mỹ, theo TIME. Ngày 1.12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hơn 6.000 người đã chết vì dịch bệnh do vi rút này gây ra.
“Các bác sĩ và y tá bị quật ngã, hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn yếu kém (của các nước Tây Phi) trở nên “tơi tả”, các chính phủ chưa sẵn sàng để ứng phó”. “Trong bối cảnh đó, những lực lượng hỗ trợ đặc biệt như Tổ chức Bác sĩ không biên giới, Tổ chức Cứu trợ Nhân đạo quốc tế Samaritan’s Purse và nhiều nhóm khác, từ khắp nơi trên thế giới, đã đến sát cánh cùng các bác sĩ, y tá tại địa phương, các lái xe cấp cứu và cả đội ngũ mai táng”, theo bài viết đăng trên TIME.
“Nếu hỏi những người này điều gì đã đưa họ đến nơi đó, một số trả lời đó là Chúa, hoặc đất nước của họ, hoặc bản năng đẩy họ lao thân vào lửa”, biên tập viên Nancy Gibbs viết.
“Salome Karwah là một nhân viên y tế của Tổ chức Bác sĩ không biên giới. Cô túc trực trực bên giường bệnh, tắm rửa và chăm sóc những người nhiễm vi-rút Ebola dù bố và mẹ cô đều đã thiệt mạng vì vi-rút này”.
|
Ngoài việc ca ngợi những người đã chiến đấu kiên trì và dũng cảm với đại dịch này, Nancy Gibbs cũng nhận định rằng Ebola là một bài kiểm tra đối với các quốc gia trước hiểm họa dịch bệnh tiềm tàng, và có vẻ như các chính phủ đã “làm bài” không tốt lắm.
“Ebola phơi bày tình trạng tham nhũng của chính phủ các nước châu Phi, sự tự mãn của tư bản phương Tây và những nỗi ghen tỵ giữa các cơ quan. Đại dịch này còn châm ngòi cho sự thiếu lòng tin từ Monrovia (thủ đô của Liberia) đến Manhattan (New York, Mỹ)”, biên tập viên này viết.
Cuối cùng, bà Nancy Gibbs kết luận rằng hệ thống y tế trên toàn cầu vẫn “còn xa” mới đủ sức giúp mọi người an toàn trước đại dịch này. Thế nhưng, có một nhóm người đã đứng lên chiến đấu, để thế giới được ngủ yên.
“Vì những cố gắng không mệt mỏi, vì nỗ lực giúp thế giới có thêm thời gian chống chọi, vì đã dũng cảm và kiên định, vì sự hy sinh và cứu sống, những người chiến đấu chống Ebola là Nhân vật của năm do TIME bầu chọn”, biên tập viên của tạp chí này viết.
|
Bên cạnh Nhân vật của năm 2014, tạp chí TIME còn chọn ra các “nhân vật về nhì”, đó là Người biểu tình tại Ferguson (Mỹ), Tổng thống Nga Vladimir Putin, tỷ phú người Trung Quốc Jack Ma - nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba và Massoud Barzani - Tổng thống của khu tự trị người Kurd tại Iraq.
Người biểu tình tại Ferguson được vinh danh vì đã “từ chối để một cuộc đời chìm vào quên lãng và biến một vụ nổ súng ở địa phương trở thành phong trào trên toàn quốc”, ám chỉ cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ sau vụ Michael Brown, thiếu niên da màu 18 tuổi, bị một cảnh sát da trắng bắn chết ở ngoại ô thành phố này.
|
Tổng thống Putin được TIME miêu tả là “vị tổng thống bị cô lập đang trên đường khôi phục lại đế chế đã mất cho đất nước của mình”.
|
Trong khi đó, Jack Ma được nhắc đến Tập đoàn Alibaba của ông đã có đợt chào bán cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, thu về 25 tỉ USD.
|
Cuối cùng, ông Massoud Barzani - Tổng thống của khu tự trị người Kurd tại Iraq – được cho đã rất “nhanh nhạy” nắm bắt cơ hội trong năm 2014, với sự trỗi dậy của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo thanhnien