Nhật Bản sẽ gia tăng hoạt động trên biển Đông
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á lâu nay bị lấn át bởi những bất đồng về lịch sử chiến tranh và tranh chấp quần đảo trên biển Hoa Đông. Trung Quốc nhiều lần chỉ trích điều mà họ cho là sự can thiệp của Mỹ và đồng minh Nhật Bản trên biển Đông.
Trong chuyến thăm Mỹ tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada nói rằng, Nhật Bản sẽ thực hiện các chuyến tuần tra huấn luyện chung với Mỹ, tham gia các đợt tập trận song phương và đa phương với hải quân các nước trong khu vực. Nhật Bản cũng sẽ giúp các quốc gia ven biển ở khu vực xây dựng năng lực bảo vệ bờ biển. Bà Inada nói rằng, lý do cho những bước đi này là Nhật Bản chia sẻ những quan ngại tương tự với Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc và cách Bắc Kinh theo đuổi những đòi hỏi chủ quyền của họ.
Trong cuộc họp báo hôm qua, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng, các nước trong khu vực đã đạt được đồng thuận rằng vấn đề biển Đông cần được giải quyết thông qua đối thoại giữa các bên liên quan trực tiếp, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nên cùng duy trì và ổn định ở vùng biển này. “Hãy nhìn vào kết quả của việc Nhật Bản đẩy mọi thứ đến hỗn loạn trong cùng thời kỳ này khi tìm cách làm rối tình hình biển Đông với việc giả vờ hoạt động vì cộng đồng quốc tế”, ông Lục Khảng nói về thông báo của bà Inada. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, những hành động của Nhật Bản chỉ “đẩy những nước khác ra xa” và không thể “buộc các nước khác nhìn nhận quan điểm của họ”. “Trung Quốc kiên quyết trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền và các lợi ích trên biển”, Reuters dẫn lời ông Lục.
Trước đó, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua đăng bài bình luận cho rằng, Nhật Bản có “động cơ ngấm ngầm” khi “can thiệp” tình hình biển Đông, như ủng hộ Mỹ và tập hợp ủng hộ đối với tranh chấp chủ quyền của chính mình đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Bài bình luận của Xinhua dường như nhằm gửi lời đe dọa trực tiếp đến Nhật Bản vì đã vượt qua cái mà Bắc Kinh gọi là “vạch đỏ” khi Tokyo tham gia các chiến dịch khẳng định tự do hàng hải trên biển Đông cùng Mỹ, giới quan sát nhận định. “Khi việc duy trì trật tự trên biển Đông là trách nhiệm chung của các quốc gia ven biển, lợi ích lớn của một nước bên ngoài như Nhật Bản đã thể hiện khi đi theo bước chân của Mỹ là điều khó có thể biện minh”, bài bình luận viết.
Bài viết cũng cho rằng, lợi ích thực sự của Nhật Bản trên biển Đông là nhằm sử dụng vấn đề này như một công cụ mặc cả trong tranh chấp với Trung Quốc đối với Senkaku/Điếu Ngư. “Về vấn đề này, Nhật Bản tìm mọi cách để khuấy động vùng biển để gây căng thẳng, như kế hoạch gần đây của họ nhằm bán vũ khí giá rẻ cho Ấn Độ để đổi lấy tiếng nói chống lại Trung Quốc”, Xinhua cáo buộc.
Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, cách tiếp cận của ASEAN đối với tình hình biển Đông, thể hiện sau cuộc họp thượng đỉnh vừa qua tại Lào, diễn ra giống như điều cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng nói, rằng đồng thuận “là thứ không ai tin và không ai phản đối”. Dù ASEAN và Trung Quốc trong dịp hội nghị vừa qua nhất trí áp dụng Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển có thể coi là tín hiệu cho thấy hai bên đã đi được bước ban đầu để xây dựng lòng tin trong bối cảnh căng thẳng leo thang, nhưng khó có khả năng điều này sẽ hiệu quả. Trung Quốc không chấp nhận phán quyết mà Tòa Trọng tài đưa ra về vụ kiện biển Đông dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà nước này là một bên ký kết.
Vậy họ có quan tâm thực sự đến một thỏa thuận không mang tính ràng buộc như Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển? Câu hỏi đặt ra là liệu ASEAN có thể bảo đảm được uy tín của mình nếu không thể giải quyết được điểm nóng lớn trên chính sân nhà của mình. Logic cho thấy ASEAN bằng cách nào đó phải đưa ra bộ quy tắc làm việc chặt chẽ hơn, cả trong nội bộ đối với các thành viên và cả với bên ngoài để ứng xử với Trung Quốc hay các nước bên ngoài khác, bài viết đăng trên báo Singapore Today Online nhìn nhận.
Theo tienphong