Nhà báo Peter Arnett chia sẻ cách tác nghiệp thời Chiến tranh VN và ngày nay
“Toàn bộ phóng viên chiến trường ở miền nam Việt Nam (hoạt động thời Chiến tranh Việt Nam) cần phải có được sự cho phép của quân đội Mỹ và của chính quyền Việt Nam Cộng hoà”, ông Arnett cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Thanh Niên Online.
“Để được cấp phép, phóng viên phải có thư giới thiệu từ tòa soạn của mình. Và với giấy phép này, các phóng viên có thể đi nhờ trực thăng hay máy bay quân đội vào vùng đang xảy ra chiến sự mà không phải mất tiền, cũng như sẽ cùng được ăn với binh sĩ”, phóng viên lão luyện này kể lại. Ông Arnett từng đoạt giải báo chí Pulitzer danh giá hồi năm 1966 cho những bản tin về cuộc chiến tại Việt Nam.
Ông cho biết mặc dù được đi nhờ máy bay và ăn chung với binh sĩ, nhưng cánh phóng viên thời đó không được cung cấp vũ khí hay quần áo chuyên biệt để ra chiến trường lấy tin, mà thường phải tự mua từ khu chợ đen ở Sài Gòn.
“Phóng viên lúc đó không được phép mang theo vũ khí khi đi cùng các binh sĩ, nhưng được tự do tiếp cận những cuộc giao tranh để viết tin, nếu họ dám”, theo lời kể của người phóng viên chiến trường năm nay đã 80 tuổi.
Bản tin chiến trường ngày nay thua xa thời trước
Đề cập đến cách tác nghiệp của phóng viên chiến trường ngày nay, ông Arnett cho biết: “Các quan chức chính phủ phương Tây thời nay hạn chế đưa tin về các hoạt động của quân đội nước họ. Phóng viên ngày nay cần phải ‘gắn chặt’ với các đơn vị quân đội khi tác nghiệp tại những nơi như Iraq và Afghanistan”.
“Nói ‘gắn chặt’ ở đây có nghĩa là bạn phải đang là nhân viên của một tổ chức tin tức hợp pháp và phải chấp nhận những cấm đoán trong việc đưa tin, chẳng hạn sẽ bị kiểm duyệt đối với các bức ảnh chụp cảnh giao chiến hoặc sẽ bị kiểm duyệt nội dung các bài phỏng vấn binh sĩ”, ông nói.
Hậu quả là ngày nay hay có những bản tin về chiến trường có nội dung cực kỳ hạn chế, “nếu so với thời Chiến tranh Việt Nam”, phóng viên người New Zealand nhận xét.
Khác biệt trong cách gửi hình ảnh, tin bài
“Yếu tố mới trong cách đưa tin ngày nay chính là tin nhắn trên mạng xã hội thông qua internet, thể hiện rõ trong ‘cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố’ ở Trung Đông”, ông Arnett bình luận.
“Ngày nay nhiều người không phải dân làm báo vẫn có thể gửi đi hình ảnh và các bình luận của họ từ điện thoại di động, và điều này mở rộng nguồn thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, độ xác thực của loại dữ liệu này lại thường bị đặt dấu hỏi”, theo nhà báo Arnett.
“Còn trong thời Chiến tranh Việt Nam, các bài viết và hình ảnh không bị kiểm duyệt. Thông tin chúng tôi thu thập được sẽ được gửi đi bằng máy điện tín và thiết bị truyền ảnh viễn ấn hàng ngày. Phần lớn tư liệu về cuộc chiến (Việt Nam), gồm cả phim, được chuyển bằng tàu sang Bangkok hay Tokyo, rồi từ đó truyền phát về Mỹ và châu Âu; vì những cơ sở có đủ khả năng làm chuyện này lại không có ở Việt Nam”, ông nhớ lại.
‘Phải là phóng viên kinh nghiệm trước khi được đi lấy tin chiến sự’
Khi được hỏi về sự chuẩn bị trước khi đi tác nghiệp của các phóng viên chiến trường đưa tin về Chiến tranh Việt Nam, ông cho hay do vào những năm 1960 và 1970, toàn bộ thanh niên phương Tây đều bị bắt phải phục vụ quân ngũ trong vòng 1 hoặc 2 năm, nên hầu hết các phóng viên chiến trường phương Tây thời đó đều đã được huấn luyện quân sự trước khi được giao đi lấy tin chiến sự.
“Tất cả những nhà báo được giao đi viết tin về Chiến tranh Việt Nam đều là những người đã có vài năm kinh nghiệm trong nghề báo”, theo ông Arnett.
Ông cũng nói thêm rằng trong thời kỳ xảy ra chiến tranh ở Việt Nam và Campuchia, đã có hơn 60 phóng viên của các báo đài phương Tây bị thiệt mạng khi đang lấy tin.
Theo thanhnien