Nga và Mỹ sẽ xích lại gần nhau vì lợi ích chung?
Trong khi mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang trong tình trạng xấu nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, có vẻ như thời điểm này những bình luận của ông Lavrov đang thay đổi một phần sự căng thẳng ấy, International Business Times nhận định trong bài viết ngày 1.7.
Hướng về lợi ích chung
Ông Lavrov tiết lộ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc thảo luận "thực tế" với Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong cú điện thoại bất ngờ của ông Putin gần đây.
Ngoại trưởng Nga cho biết câu chuyện của ông Putin và ông Obama xoay quanh "các lĩnh vực hợp tác hai bên cùng có lợi". Trong khi đó, những cuộc tiếp xúc gần đây của ông và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là "đi sâu vào chi tiết" của những lợi ích ấy,International Business Times dẫn lời ông Lavrov.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg của Mỹ, Ngoại trưởng Nga cũng một lần đề cập đến việc "bình thường hóa" giữa Moscow và Washington. Ngoài ra, ông Lavrov cũng thổ lộ ông rất bất ngờ về việc dư luận thế giới đã dồn sự chú ý đặc biệt cho cuộc gặp gỡ giữa ông Putin và ông Kerry hồi tháng 5, bất kể hai bên đã gặp nhau 17 lần trong năm 2014, tức giai đoạn mối quan hệ Nga - Mỹ đang trong tình trạng rất căng thẳng sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc chiến tại miền đông Ukraine.
Xoa dịu căng thẳng
Trên thực tế, trước khi ông Lavrov chính thức lên tiếng về "bình thường hóa", truyền thông Mỹ cũng đã có những bài viết cho rằng Moscow và Washington có thể hàn gắn, ít nhất trong một số vấn đề.
Hôm 1.7, hãng tin AP có bài viết cho rằng các cuộc đàm phán hạt nhân tại Iran sẽ là tác nhân thắt chặt mối quan hệ Nga - Mỹ. Một thỏa thuận thành công sẽ giúp Mỹ không cần thiết phải can thiệp vào Iran và quan hệ với Israel, trong khi cũng phù hợp với ý định của Nga.
Ông Gary Samore, nhà đàm phán đại diện cho Mỹ tại các cuộc đàm phán hạt nhân đến năm 2013, cho biết việc đạt được một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran là lợi ích chiến lược của Nga với mong muốn hạn chế sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông. Trong khi đó, đây cũng là mong muốn của ông Obama, vì việc tránh tham gia vào các cuộc xung đột Trung Đông là "di sản trong quan hệ ngoại giao" của ông, theo AP.
Bên cạnh đó, bất đồng trong việc Nga tuyên bố ủng hộ Tổng thống Syria, Bashar Assad cũng sẽ được xoa dịu bằng một mối nguy lớn hơn: tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông Samore cũng cho rằng việc Nga ủng hộ ông Assad cũng chỉ vì mục tiêu đánh bại IS, phù hợp với mong muốn chung của Mỹ lẫn các đồng minh.
Theo thanhnien