Mỹ - Trung vẫn 'vờn' nhau ở biển Đông
Đó là ý kiến của nhiều học giả tại Hội thảo quốc tế “ASEAN và quan hệ Mỹ-Trung” do Học viện Ngoại giao và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (Đức) tổ chức sáng 10/3 tại Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề hội thảo, TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói rằng, quan điểm chính thức của Trung Quốc là họ không quân sự hóa trên biển Đông, nhưng trên thực địa, quy mô quân sự hóa, cải tạo đảo mà Trung Quốc làm lớn hơn các nước khác nhiều lần, tạo ra sự thay đổi về cân bằng tương quan trên biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc, gây nguy cơ bất ổn khu vực.
Theo ông Hiệp, thời gian tới, Trung Quốc vẫn giữ quan điểm đó và tiếp tục làm những việc lâu nay họ vẫn làm. Họ vẫn không để ý đến phản ứng của Mỹ hay ASEAN mà tiếp tục làm theo những kế hoạch, những tính toán của họ. Họ sẽ tiếp tục cải tạo bãi đá, xây dựng đảo nhân tạo, đưa vũ khí ra…; nhưng không ai có thể ngăn cản được, TS Hiệp nhận định.
GS Carlyle Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc cho rằng, Trung Quốc đưa ra quan điểm về quân sự hóa mềm, nhưng họ không đưa ra định nghĩa rõ ràng. Trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng có thể hỗ trợ quân sự hóa. Ví dụ, đường băng trên đá Chữ Thập dài hơn 915m đủ cho một chiếc Boeing 747 cất cánh. Máy bay ném bom B52 của Mỹ cũng có thể cất cánh từ đường băng đó. Đường băng như vậy không chỉ dành cho máy bay cứu hộ, cứu nạn.
Radar mà Trung Quốc đang dựng lên ở đảo tranh chấp cho thấy Trung Quốc đang nâng cấp hệ thống nhận thức hàng hải, nhưng đi kèm là những thiết bị tác chiến điện tử mà họ từng dùng để chống lại máy bay của Philippines. Khi máy bay Philippines đang chụp ảnh ở khu vực thì hệ thống liên lạc của họ bị can thiệp, GS Thayer nói với phóng viênTiền Phong bên lề hội thảo.
Không thể đổ lỗi
GS Su Hao công tác tại ĐH Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chưa rõ ràng, nhưng căng thẳng sẽ gia tăng thời gian tới với những động thái mạnh hơn của các cường quốc như Mỹ. Ông Su Hao cho rằng, cần đẩy mạnh những sáng kiến an ninh mới để giảm bớt căng thẳng trong khu vực và giữa các cường quốc để đảm bảo ổn định và thịnh vượng. Về ý kiến này, GS Thayer nói rằng, Trung Quốc không thể đổ lỗi cho Mỹ quân sự hóa ở khu vực. Mỹ chỉ quyết liệt trong vấn đề tự do hàng hải. Mỹ thỉnh thoảng đưa tàu chiến đến Philippines hay Singapore, nhưng là do có lời mời của những nước đó. “Nhưng không ai mời Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và đưa thiết bị quân sự ra đó. Trung Quốc đang hành động đơn phương và khiêu khích hơn Mỹ. Chúng ta không thể chấp nhận cách giải thích của Trung Quốc”, GS Thayer nói.
Trung Quốc nói Mỹ gây quân sự hóa với việc đưa tàu chiến đến khu vực, nhưng Mỹ đưa tàu chiến đến khu vực kể từ Thế chiến 2 và họ không ở lại, còn Trung Quốc hiện diện lâu dài. Trung Quốc không nói cho chúng ta biết sự thật về những điều họ đang làm. “Trung Quốc đang dùng chiến tranh lý lẽ và chiến tranh thông tin để che đậy thực tế”, GS Thayer nói.
Đợi nhau hành động
Về ảnh hưởng của quan hệ Mỹ - Trung đến khu vực Đông Nam Á, GS Thayer nhận định, năm nay sẽ có những rủi ro lớn giữa hai cường quốc này. Theo ông, Washington và Bắc Kinh có thể bị cuốn vào những xung đột cả trên biển lẫn trên không, tạo nên những căng thẳng mới. Ông Thayer cho rằng, hiện nay Mỹ khó ngăn Trung Quốc quân sự hóa ở biển Đông. Mỗi khi Mỹ lên án Trung Quốc, Trung Quốc lập tức bác bỏ. Nhưng cộng đồng quốc tế đang tiếp tục lên án Trung Quốc, và Mỹ cũng có nền tảng pháp lý vững chắc hơn để hành động ở khu vực. Điều Mỹ có thể làm là tiến hành hàng loạt biện pháp phản đối, khiến Trung Quốc mất mặt và phải cân nhắc xem họ có nên làm những việc đó hay không. GS Thayer cho rằng, Mỹ và Trung Quốc đang chơi trò thách thức nhau xem ai hành động đầu tiên để mình đáp trả và tự tuyên bố là nạn nhân.
“Trung Quốc đang dùng chiến tranh lý lẽ và chiến tranh thông tin để che đậy thực tế”.
GS carlyle Thayer
Nhưng nếu máy bay chiến đấu của Mỹ bay vào khu vực, Trung Quốc sẽ làm gì? Trung Quốc sẽ không dám bắn rơi; điều này giống như trò hai xe ô tô lao thẳng vào nhau, nhưng không ai muốn đâm nhau.
GS Thayer nói rằng, từng có bài học là vụ máy bay Mỹ khi bay ở khu vực đảo Hải Nam năm 2001 đã bị phi cơ Trung Quốc áp sát khiến phi công Mỹ phải xin phép hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay ở đảo Hải Nam. Vào thời điểm khủng hoảng đó, Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu im lặng với báo chí và chỉ có Bộ trưởng Donald Rumsfeld liên lạc với phía Trung Quốc. Sau vụ một tàu hải quân Mỹ khi đi qua vùng biển quốc tế giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên bị hai tàu đánh cá Trung Quốc áp sát, hai nước đã bàn bạc với nhau về cơ chế quản lý khủng hoảng. “Vì thế, chúng ta không biết hai nước sẵn sàng đi xa đến đâu”, GS Thayer nói.
Mỹ cho biết năm nay sẽ thực hiện các hoạt động phức tạp hơn ở khu vực. GS Thayer nói rằng, chúng ta phải chờ xem điều đó nghĩa là gì. Có thể họ sẽ điều thêm nhiều tàu chiến, thêm nhiều nước can dự, có thể cùng lúc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải tại nhiều địa điểm. “Năm 2016 sẽ là năm tồi tệ nhất từ trước đến nay để hai nước tìm ra cách họ phải làm sắp tới”, ông Thayer nhận định.
Nên sáng tạo hơn
Về những việc Việt Nam có thể làm hiện nay, TS Lê Hồng Hiệp cho rằng, Việt Nam không có nhiều lựa chọn, Mỹ cũng vậy. Các hoạt động khẳng định tự do hàng hải và hàng không nhằm thách thức yêu sách của Trung Quốc và qua đó tạo ra phản ứng của Trung Quốc để thu hút sự chú ý của công luận đã bị Trung Quốc phớt lờ. Trung Quốc coi đó là việc qua lại vô hại, phù hợp luật pháp quốc tế, miễn là Mỹ không tiến quá gần và không có hành động thù địch, ông Hiệp nói. Theo ông, Trung Quốc coi việc tuần tra của Mỹ hiện nay là bình thường và họ chỉ theo dõi thôi; khi Trung Quốc không phản ứng, không la làng thì Mỹ cũng mất hứng.
TS Hiệp cho rằng, Việt Nam có nhiều quan hệ đối tác chiến lược và có thể làm sâu sắc hơn những mối quan hệ này trên lĩnh vực quân sự - quốc phòng, tùy thuộc vào đặc điểm của từng quan hệ đối tác. Ông Hiệp cho biết, trong một bài viết gần đây về quan hệ đối tác Việt Nam - Singapore, ông đề xuất ý tưởng Việt Nam và Singapore có thể tiến hành các chuyến tuần tra chung ở khu vực nam biển Đông để chống cướp biển. Trên thực tế có nhiều vụ cướp biển nhằm vào tàu Việt Nam và Singapore. Theo ông Hiệp, Singapore không đủ diện tích nên phải gửi quân ra nước ngoài huấn luyện; Việt Nam và Singapore có thể hợp tác huấn luyện binh lính…
Theo tienphong