Mỹ - Trung bàn chuyện Biển Đông
Được Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả là một chuyến thăm bình thường và lên lịch từ trước, nhưng việc Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đến Mỹ không hề có vẻ như vậy.
Chuyến thăm kéo dài một tuần của ông Phạm chỉ được Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo ngày 8.6, khi ông đã lên máy bay cùng một phái đoàn quân sự hùng hậu, gồm Phó tổng tham mưu trưởng Tôn Kiến Quốc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Ngô Xương Đức và Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh Tống Phổ Tuyển.
Theo tờ China Daily, ông Phạm là lãnh đạo quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc thăm Mỹ kể từ năm 2012, khi Bắc Kinh tiến hành chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương trở nên căng thẳng trong vài tuần qua.
Cục diện đối đầu
Chỉ mới hơn một tuần trước, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công khai chỉ trích hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên các bãi đá tại quần đảo Trường Sa là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định khu vực.
Trước đó, Lầu Năm Góc quảng bá rầm rộ các chuyến bay tuần thám của hải quân Mỹ quanh các tiền đồn mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông và hứa hẹn sẽ thực hiện thêm nhiều chuyến bay như thế, thậm chí vào cả trong phạm vi 12 hải lý quanh các bãi đá. Đáp lại, Đô đốc Tôn Kiến Quốc đe dọa Trung Quốc có thể sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, điều mà nhiều chuyên gia đánh giá là một “lằn ranh đỏ” đối với Mỹ. Tình trạng càng trở nên xấu hơn nữa trước hàng loạt cáo buộc từ giới chức Mỹ về hoạt động tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc, cũng như các cuộc đấu khẩu xung quanh những bất đồng trong lĩnh vực tài chính và kinh tế…
Cuộc khẩu chiến giữa giới chức hai nước thể hiện một bức tranh ngày càng bất ổn trong quan hệ Mỹ - Trung. Dẫu vậy, cả hai nước đều ý thức rõ về những tổn thất khổng lồ từ một cuộc xung đột quân sự đối với hai phía. Mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế hiện là nhân tố lớn giúp mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. “Cùng với vũ khí hạt nhân, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cũng có tác dụng như một sự răn đe, dựa vào viễn cảnh “lưỡng bại câu thương” nếu đổ vỡ quan hệ”, theo một bài bình luận của tờ South China Morning Post về chuyến đi của ông Phạm.
“Nói chuyện phải quấy”
Ngoài việc dọn đường cho chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhu cầu kiểm soát mức độ leo thang đối đầu giữa hai nước có thể là một trong những lý do chính cho chuyến đi của ông Phạm Trường Long. Trang Defense News dẫn lời một quan chức quốc phòng của Mỹ cho biết hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ là chủ đề trọng tâm trong cuộc thảo luận giữa ông Phạm và Bộ trưởng Carter vào hôm nay, 11.6. “Tôi chắc chúng tôi sẽ có cuộc thảo luận thẳng thắn nhất có thể”, quan chức giấu tên này nói.
Theo nhận định của chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt trên tờ South China Morning Post, là quan chức chịu trách nhiệm về chiến lược quân sự và các vấn đề cốt lõi khác, chuyến thăm của ông Phạm thể hiện “nhu cầu khẩn bách” của hai phía nhằm thiết lập cơ chế kiểm soát quân sự hiệu quả để ngăn chặn đối đầu trong khu vực.
Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ lẫn Trung Quốc đều tỏ ra nghi ngờ về khả năng hai bên gặt hái được kết quả trong cuộc gặp giữa ông Phạm và ông Carter. “Tôi nghĩ nó chỉ nhằm mục đích duy trì các kênh liên lạc”, chuyên gia về chính sách quốc phòng Mark Cozad thuộc Tổ chức Nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) nói với Đài ABC News. Trong khi đó, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung Thời Ân Hoằng thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận xét: “Chưa có tín hiệu đáng kể về một giải pháp cho cả hai phía nhằm hạ nhiệt căng thẳng lúc này”.
Khó nổ ra xung đột lớn ở Biển Đông
Đây là nhận định từ một báo cáo của Hội đồng Cố vấn an ninh hải ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, theo tiết lộ từ trang Washington Free Beacon ngày 9.6.
Báo cáo này được chuẩn bị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ trong khu vực ứng phó với tác động từ các tranh chấp ở Biển Đông. Báo cáo khẳng định chiến tranh giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp trong khu vực khó xảy ra song cảnh báo về những nguy cơ mức độ thấp có thể dẫn đến xung đột hoặc sự cố quân sự, chẳng hạn như một “vụ chạm trán tình cờ” hoặc tính toán sai lầm về quân sự. “Lịch sử cho thấy, sau một cơn xáo động của những lời lẽ hùng hổ và dọa dẫm, những cái đầu lạnh hơn thường thắng thế”, báo cáo viết.
|
Theo thanhnien