Mỹ thông báo đồng minh việc đưa tàu áp sát đảo Trung Quốc xây trái phép
Tờ New York Times ngày 12.10 dẫn các nguồn tin từ giới chức quân sự của Mỹ và đồng minh châu Á của Mỹ cho hay Mỹ sẽ điều tàu tuần tra vào khu vực giới hạn 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.
Mỹ xem đó là hoạt động bình thường nằm trong quyền tự do hàng hải mà bất kỳ hải quân nước nào cũng được phép, cho dù Trung Quốc phản đối hay không, kể cả việc điều động tàu của Mỹ có thể gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh.
Các quan chức của Philippines nói với tờ New York Times rằng Manila đã được thông báo kế hoạch của Washington mấy ngày nay. Nghị sĩ Philippines, Antonio F. Trillanes IV, Chủ tịch Ủy ban an ninh và quốc phòng quốc gia cho biết ông ủng hộ kế hoạch của Mỹ.
“Mỹ đã tính toán kỹ lưỡng, họ sẽ không làm nếu điều này dẫn đến hậu quả ngoài dự đoán”, nghị sĩ này nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines, ông Albert F. del Rosario nhận định, việc tuần tra của Mỹ ở Biển Đông “giúp duy trì ổn định khu vực”, và theo ông nếu Mỹ không làm “sẽ mặc nhiên thừa nhận những gì Trung Quốc đang làm là đúng và càng khiến Bắc Kinh tự tin rằng mình có chủ quyền toàn bộ Biển Đông”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Ngoại trưởng John Kerry sẽ bàn bạc kế hoạch tuần tra với đối tác Úc vào 2 ngày 12 và 13.10 ở thành phố Boston, Mỹ. Cuộc họp cũng có Đô đốc Harry B. Harris Jr, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương tham dự.
Thăm dò phản ứng của Bắc Kinh
Chuyên gia cố vấn cao cấp về vấn đề Trung Quốc của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, ông Daniel Kritenbrink, cũng thừa nhận Nhà Trắng đã quyết định cho phép hải quân Mỹ đưa tàu vào tuần tra ở khu vực giới hạn 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, theo New York Times. Tuy nhiên, chưa rõ Mỹ sẽ triển khai kế hoạch khi nào.
Theo ông Kritenbrink, thực ra kế hoạch tuần tra khu vực giới hạn 12 hải lý này đã bị gián đoạn trong thời gian Washington đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì không muốn gây thêm căng thẳng cho 2 nước nhân chuyến công du lần đầu tiên này của lãnh đạo Trung Quốc, diễn ra hồi tháng 9.2015.
Nội các của Tổng thống Obama và các đồng minh châu Á bàn bạc kỹ về phản ứng của Mỹ trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều quan ngại cho rằng việc tuần tra vội vã của hải quân Mỹ có thể trở thành cái cớ để Bắc Kinh gia tăng xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông, theo New York Times.
Tuần qua, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối kế hoạch tuần tra của Mỹ, dù chính quyền Obama chưa chính thức tuyên bố kế hoạch mới này. Tuy nhiên, có nhận định cho rằng việc tuần tra của Mỹ sẽ là sự thăm dò phản ứng của Bắc Kinh, nhất là phát biểu của ông Tập trong chuyến công du nước Mỹ vừa qua,
Chủ tịch Trung Quốc từng tuyên bố với báo chí sau cuộc hội đàm với Tổng thống Obama rằng “Bắc Kinh không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông”. Phát biểu này của ông Tập thực sự thách đố cho cả Mỹ lẫn các nước trong khu vực tranh chấp. Các nhà phân tích thắc mắc hàm ý của Bắc Kinh là gì khi lãnh đạo Trung Quốc dùng từ “quân sự hóa”. Họ cho rằng cần phải có động thái gì đó để hiểu rõ quan niệm “quân sự hóa” của Bắc Kinh thực chất là gì.
Đáp lại với phát biểu của ông Tập, Tổng thống Obama khẳng định Washington “sẽ tiếp tục đưa máy bay, tàu và tiến hành các hoạt động hàng hải ở bất kỳ nơi đâu thuộc vùng biển quốc tế (tất nhiên, trong đó có cả Biển Đông)”.
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) chỉ công nhận giới hạn 12 hải lý đối với đảo tự nhiên, không công nhận đối với đảo nhân tạo, bãi ngầm được xây dựng từ việc cải tạo đất. Trong khi đó, Trung Quốc đã xây dựng 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc cưỡng đoạn bằng vũ lực.
Theo thanhnien