Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 19/02/2016

Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra dù Trung Quốc triển khai tên lửa

Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với Voice of America: “Chúng ta có khả năng chống lại các tên lửa đất đối không thuộc loại này”. Phía Mỹ có thể sử dụng các loại thiết bị để gây nhiễu tên lửa tầm nhiệt của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ có thể dùng tên lửa hành trình Tomahawk để tìm diệt tên lửa phòng không Hongqi-9 của Trung Quốc.

Trung Quốc có thể đưa các hỏa tiễn chống hạm ra biển Đông nếu Mỹ hành động mạnh mẽ trong khu vực, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin ngày 18/2. South China Morning Post dẫn lời ông Li Jie, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nói rằng, Bắc Kinh có những kế hoạch phòng thủ riêng trong khu vực, như triển khai tên lửa chống tàu, và sẽ thúc đẩy chúng nếu Washington hành động mạnh.

Kênh truyền hình Fox News (Mỹ) vừa đưa tin, theo hình ảnh vệ tinh của hãng ImageSat International, Trung Quốc đại lục tuần qua đã lắp đặt 2 khẩu đội tên lửa đất đối không hiện đại Hongqi-9 gồm 8 bệ phóng và 1 hệ thống rada trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Giới chức Đài Loan và Mỹ đã xác nhận tin này. Việc triển khai tên lửa Hongqi-9 diễn ra sau khi một tàu khu trục của Hải quân Mỹ tiến sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông.

Ông Xu Guangyu, một tướng nghỉ hưu của Trung Quốc và nay là nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội Giải giáp và kiểm soát vũ khí Trung Quốc, cho rằng, việc đưa các phương tiện quân sự ra đảo Phú Lâm sẽ tương đồng với cấp quản lý hành chính ở Phú Lâm, sau khi Bắc Kinh lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa” ở đó hòng quản lý biển Đông. Theo ông Xu, đảo Phú Lâm hiện nay chưa có môi trường hay cơ sở hạ tầng để hỗ trợ những hạ tầng quân sự tiên tiến như căn cứ không quân vĩnh viễn, nhưng sẽ dần dần được nâng cấp. “Trong tương lai, có hai điều chắc chắn sẽ xảy ra: Máy bay quân sự thường xuyên hạ cánh; huấn luyện và tập trận chung giữa lực lượng không quân và hải quân”, ông Xu nói.

Neil Ashdown, Phó tổng biên tập tạp chí quốc phòng IHS Jane’s Intelligence Review (Mỹ), nói rằng, việc Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không có tầm bắn 200km cho thấy “sự leo thang quân sự nghiêm trọng”. Ông Ashdown nhận định: “Sau khi các tàu hải quân Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải hồi tháng 10/2015 và tháng 1/2016, có thể việc triển khai tên lửa này nhằm gửi thông điệp tới Mỹ và các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông”. Một số chuyên gia Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông cuối cùng sẽ dẫn tới việc nước này áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển này.

Các nước phản ứng

Dù phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 17/2 nói rằng, những bước đi của nước này trên biển Đông là “hòa bình”, việc Trung Quốc triển khai các cơ sở quân sự là “phù hợp và hợp lý”, động thái quân sự hóa của Bắc Kinh đã bị cộng đồng quốc tế phản ứng, vì đã vi phạm cam kết không quân sự hóa khu vực, khiến tình hình thêm căng thẳng.

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, nói rằng, việc Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không tới Hoàng Sa là phá vỡ cam kết của nước này về không quân sự hóa khu vực, gây ra nhiều lo ngại, hãng tin ABC News (Úc) đưa tin hôm qua. ABC News dẫn lời Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tuyên bố: “Úc có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi đề nghị kiềm chế và kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”.

Ngày 17/2, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo, việc Trung Quốc triển khai vũ khí, khí tài trên đảo đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban nói rằng, Mỹ kêu gọi ngừng các hoạt động quân sự hóa tại khu vực tranh chấp trên biển Đông, CNN đưa tin. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ sẽ trao đổi nghiêm túc với Trung Quốc về việc quân sự hóa trên biển Đông. “Nhiều bằng chứng cho thấy sự gia tăng quân sự hóa. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về điều này”, ông Kerry nói.

Nhật Bản cũng “vô cùng quan ngại” trước thông tin Trung Quốc lắp đặt hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại ở Hoàng Sa, hãng tin Nhật Bản Kyodo đưa tin hôm qua. “Nhật Bản hết sức quan ngại về các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông… Nhật Bản chưa bao giờ chấp nhận những hành động như vậy”, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani kêu gọi Trung Quốc giải thích rõ ràng về vụ việc. 

Mỹ và Liên minh châu Âu ngày 17/2 yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tranh chấp ở biển Đông, AP đưa tin. Theo phía Philippines, tòa sẽ ra phán quyết cuối cùng trước tháng 5.

Theo tienphong

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready