Mỹ, Philippines tuần tra chung trên biển Đông
Chuyến tuần tra chung Mỹ - Philippines đầu tiên trên biển Đông diễn ra trong tháng 3, chuyến thứ hai vào đầu tháng 4, và các hoạt động đó sẽ diễn ra thường xuyên trong tương lai, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo. “Các nước khắp châu Á - Thái Bình Dương đang lên tiếng quan ngại việc Trung Quốc bồi đắp đảo với quy mô và mức độ nổi trội cũng như những hành động quân sự hóa trên biển Đông”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói với các phóng viên ngày 14/4.
Hôm qua, trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmi, ông Carter cho biết, Mỹ sẽ để gần 300 quân, trong đó có lính biệt kích, cùng một số máy bay chiến đấu, trực thăng quân sự ở lại Philippines cho đến cuối tháng này. Một đội máy bay quân sự và 200 phi công Mỹ thuộc lực lượng Không quân Thái Bình Dương và 75 quân nhân Mỹ khác, chủ yếu là lính thủy đánh bộ sẽ ở lại Philippines sau khi đợt tập trận chung Balikatan giữa hai nước kết thúc trong tuần này. Nhóm quân nhân này sẽ hỗ trợ “các hoạt động tăng cường ở khu vực”, Lầu Năm góc cho biết.
Mỹ cũng sẽ bắt đầu thực hiện việc đưa quân đến hiện diện luân phiên ở Philippines để hỗ trợ huấn luyện và tăng cường các hoạt động quân sự ở khu vực. Những hỗ trợ này từ phía Mỹ cho Philippines được thông báo chỉ vài ngày sau khi một quan chức ngoại giao Philippines đề nghị Mỹ giúp thuyết phục Trung Quốc không xây dựng trên bãi cạn Scarborough - khu vực có vai trò quan trọng đối với ngư dân Philippines. Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr. nói rằng, Philippines không thể ngăn Trung Quốc xây dựng ở bãi cạn đó, sau khi Bắc Kinh đã bồi đắp, xây các đảo nhân tạo khác thuộc khu vực tranh chấp.
Những sáng kiến mới, như luân chuyển lực lượng và thiết bị quân sự của Mỹ, được thiết kế để Mỹ không phải tăng cường hiện diện ở Philippines, nhưng vẫn cho thấy hai nước đang tăng cường hợp tác an ninh trước mối lo ngại về Trung Quốc. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng, Washington dự kiến đưa thêm nhiều máy bay quân sự đến luân phiên tại Philippines. Trong đội máy bay đầu tiên đến Philippines có 5 máy bay tấn công mặt đất A-10C Thunderbolt, 3 trực thăng HH-60G Pave Hawk và 1 máy bay chuyên phục vụ các chiến dịch đặc biệt MC-130H.
Yêu cầu Trung Quốc rút chiến đấu cơ khỏi Hoàng Sa
Trước thông tin Trung Quốc vừa đưa 16 máy bay chiến đấu J-11 ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc đưa các máy bay này ra khỏi khu vực. Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, tuyên bố như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 14/4 để trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc vừa đưa 16 chiếc J-11 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ông Bình tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu ra khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định của khu vực. “Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực này và không tái diễn các hành động tương tự”, ông Bình nói. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và là nước có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần hành động trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.
Trả lời đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 ra tuyên bố trong đó bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông và Hoa Đông, ông Bình khẳng định, Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng các nước công nghiệp G7 về vấn đề an ninh biển theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. “Việt Nam đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”, ông Bình nói.
Bình luận trước quan điểm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra gần đây về vấn đề quốc tế hóa tranh chấp biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, lập trường của Việt Nam về vấn đề biển Đông là rõ ràng, nhất quán và đã được nhắc lại nhiều lần. Việt Nam chủ trương giải quyết tranh các chấp biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và trên tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông. Đối với những vấn đề chỉ liên quan hai nước thì giải quyết song phương. Đối với những vấn đề liên quan các nước và các bên khác, như vấn đề quần đảo Trường Sa, thì không thể giải quyết song phương mà phải có sự tham gia của các bên liên quan. Đối với những vấn đề liên quan cả những nước ngoài khu vực, như vấn đề liên quan an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không thì phải có sự bàn bạc, giải quyết giữa tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm, ông Bình nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong đề nghị xác nhận thông tin các quan chức quốc phòng Việt Nam và Philippines sẽ gặp nhau tuần này để bàn về thỏa thuận tuần tra chung và tập trận chung trên biển, ông Bình nói “chưa nhận được thông tin này” và cho biết Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đang có chuyến thăm Philippines. “Với chính sách đối ngoại và chính sách quốc phòng hòa bình và độc lập, tự chủ của mình, bất kỳ hợp tác nào của Việt Nam với các đối tác đều nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực”, ông Bình khẳng định.
Theo tienphong