Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 09/03/2016

Mỹ, Nhật tăng cường hiện diện trên biển Đông

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản. Nguồn: News
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản. Nguồn: News

"Chúng tôi đã theo dõi năng lực quân sự tăng cường trên các đảo này, gồm máy bay chiến đấu, tên lửa, đường băng dài 3km. Chúng tôi sẽ tiếp tục những việc chúng tôi đã làm. Đó là bay trong không phận quốc tế, đi tàu trong vùng biển quốc tế theo quy tắc, luật lệ quốc tế”, AP dẫn lời đại tướng Lori Robinson, Tư lệnh lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ. Bà Robinson đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo ở thủ đô Canberra của Úc ngày 8/3. Bà sẽ tham dự Hội nghị Sức mạnh Không quân của Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc diễn ra vào tuần tới.

Tướng Robinson cũng thúc giục các nước khác thực hiện quyền tự do bay và hải hành trong không phận, vùng biển quốc tế mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên biển Đông. Theo bà, nếu không thực hiện quyền tự do đó, các nước sẽ “có nguy cơ đánh mất quyền của mình trên toàn khu vực”. Mỹ khẳng định mình có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải và bay, bảo đảm các nước không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa để  củng cố tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ trên biển Đông.

Khả năng tính toán sai

Tướng Robinson từ chối trả lời câu hỏi của phòng viên rằng, Mỹ sẽ đáp trả thế nào nếu một máy bay Mỹ bị Trung Quốc bắn rơi. Bà thừa nhận rằng, “có khả năng xảy ra tính toán sai lầm” dẫn tới xung đột tại khu vực biển Đông ngày càng bị quân sự hóa.

Tuy nhiên, Tư lệnh Robinson cho biết, hồi tháng 9/2015, Mỹ và Trung Quốc đã ký quy tắc ứng xử trên không trong không phận quốc tế và sẽ tiếp tục thảo luận chủ đề này trong năm nay. “Điều đó cho phép chúng tôi liên tục đối thoại với Trung Quốc về cách thức ngăn chặn (nước này điều máy bay chặn máy bay nước kia), ngăn chặn một cách an toàn, phù hợp với quy tắc, luật lệ quốc tế”.

Tướng Robinson cũng cho biết về kế hoạch Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương. Phía Mỹ đang thảo luận với quân đội Úc về việc luân phiên điều chuyển máy bay ném bom Mỹ tới các căn cứ không quân Úc ở hai thành phố Darwin và Tindal. “Điều này cho chúng tôi cơ hội để huấn luyện phi công của mình hiểu rõ tình hình và để tăng cường quan hệ với đồng minh tốt của chúng tôi - Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc”, bà nói. Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã luân phiên có mặt ở Darwin. Đây là dấu hiệu cho thấy liên minh quân sự song phương ngày càng gần gũi và khiến Trung Quốc khó chịu, các nhà phân tích nhận định. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Úc.

Trung Quốc lại đổ lỗi

Đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên nhiều đảo tranh chấp ở biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ lỗi quân sự hóa cho nước khác. Trong cuộc họp báo hôm qua tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, tuyên bố của một nước khác về tự do hàng hải ở khu vực không tạo ra quyền cho họ muốn làm gì thì làm - một ngụ ý rõ ràng nhằm vào Mỹ, khi gần đây Washington đưa tàu hải quân tiến gần những bãi san hô mà Trung Quốc cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo.

Ông Vương Nghị gạt bỏ cáo buộc Trung Quốc đang quân sự hóa khu vực với việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo. Ông nói rằng, những công trình của Trung Quốc là để “phòng vệ” và các nước khác mới đang quân sự hóa, không phải Trung Quốc. “Trung Quốc không thể bị gán nhãn quân sự hóa nhất. Nhãn này phù hợp với các nước khác hơn”, Xinhua dẫn lời ông Vương Nghị.

Ông Vương Nghị cũng tái khẳng định, Trung Quốc không hợp tác trong vụ kiện tại Tòa án trọng tài quốc tế mà Philippines là nguyên đơn. Trung Quốc nói rằng, họ không chịu ràng buộc của tòa trọng tài vì trong tuyên bố đưa ra năm 2006, nước này khẳng định sẽ không chấp nhận “quy trình tố tụng bắt buộc kèm theo những quyết định ràng buộc” liên quan Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Nhật Bản vào cuộc

Cũng trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Vương Nghị cáo buộc Nhật Bản “hai lòng”, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đang căng thẳng vì tranh chấp đảo ở biển Hoa Đông và Nhật Bản cùng cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc xây các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp. Phát biểu này được đưa ra chỉ vài tuần trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Washington, nơi Tokyo mong muốn thu xếp một cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Abe đã phá vỡ giai đoạn băng giá trong quan hệ Nhật-Trung sau cuộc gặp với ông Tập vào tháng 11/2014 và tháng 4/2015. Từ đó đến nay hai ông không gặp lại.

Về vấn đề biển Đông, Nhật Bản lên tiếng ủng hộ Mỹ có những hành động thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích biển Đông. “Một mặt, các lãnh đạo Nhật Bản nói những điều đẹp đẽ về việc muốn cải thiện quan hệ, nhưng mặt khác, họ lúc nào cũng gây rắc rối cho Trung Quốc”, ông Vương Nghị nói trong cuộc họp.

Nhật Bản nhiều lần chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Hồi tháng 1, Ngoại trưởng Fumio Kishida nói Nhật Bản “quan ngại sâu sắc” về những chuyến bay thử nghiệm trên đường băng mà Trung Quốc xây trên một đảo nhân tạo và thúc giục Trung Quốc tự kiềm chế. Tokyo cũng đang tăng cường quan hệ an ninh với các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Tháng trước, Nhật Bản và Philippines ký thỏa thuận hợp tác thiết bị quốc phòng. Báo Nikkei đưa tin, thỏa thuận này cho phép Nhật Bản cho Philippines mượn máy bay giám sát. Nhật Bản cũng đã hứa tặng Philippines 10 tàu phục vụ lực lượng cảnh sát biển.

Tạp chí Nhật Bản The Diplomat hôm qua đưa tin, Nhật Bản đang có kế hoạch đưa một tàu ngầm đến thăm Philippines lần đầu tiên trong 15 năm qua. Reuters dẫn các nguồn tin nói rằng, tháng sau, một tàu ngầm dùng cho huấn luyện và hai tàu khu trục của Nhật Bản sẽ đến Philippines. “Điều đó gửi đi một thông điệp. Nhật Bản rất cần thể hiện sự hiện diện của họ”, nguồn tin giấu tên nói.

Theo tienphong

 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready