Mỹ kêu gọi thực hiện tự do hàng hải ở biển Đông
Kêu gọi Úc cùng tuần tra
Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, đang có chuyến thăm Úc để bàn bạc với giới chức Úc về những vấn đề an ninh-quốc phòng, trong đó có việc Trung Quốc mở rộng quân sự hóa ở khu vực, đài Úc ABC đưa tin ngày 22/2. Hôm qua, phát biểu tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Sydney, ông Aucoin kêu gọi Úc theo Mỹ thực hiện các hoạt động hải quân vì tự do hàng hải ở biển Đông.
Phát biểu với báo giới tại Sydney, ông Aucoin nói rằng, nếu Mỹ và các nước khác đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trong vùng tranh chấp ở biển Đông thì sẽ mang lại “lợi ích tốt nhất” cho khu vực. Từ tháng 10/2015, Mỹ đã thực hiện hai chiến dịch tự do hàng hải trong khu vực tranh chấp, gần đây nhất là chuyến đi của tàu khu trục USS Curtis Wilbur hồi tháng 1.
“Chúng tôi chưa thay đổi điều chúng tôi đang làm. Chúng tôi đang làm điều chúng tôi đã làm trong nhiều thập kỷ qua, bảo đảm các tuyến giao thông biển vẫn được mở”, ông Aucoin nói. Phó Đô đốc bày tỏ mong muốn những hoạt động này không nên bị hiểu là Mỹ chống Trung Quốc.
Tuần trước, Phát ngôn viên Quốc phòng Công đảng Úc cũng kêu gọi Hải quân Hoàng gia Úc (ADF) kiểm tra các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông bằng cách đi vào vùng biển 12 hải lý của các đảo tranh chấp. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne không bình luận về hoạt động cụ thể của ADF, nhưng khẳng định Úc ủng hộ quyền tự do hàng hải của mỗi nước.
“Như Phó Đô đốc Joseph Aucoin nói, thực hiện tự do hàng hải là vấn đề của từng nước riêng lẻ”, ABC dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Úc. “Chính phủ Úc ủng hộ quyền của tất cả các bên trong việc thực hiện tự do hàng hải và tự do bay theo luật quốc tế… Điều chúng tôi đang làm hiện nay cũng như nhiều năm qua là các tàu biển và máy bay của Úc sẽ tiếp tục thực hiện các quyền theo luật quốc tế ở các khu vực, trong đó có biển Đông”, tuyên bố viết.
Trung Quốc tiếp tục ngụy biện
Trước chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến Mỹ trong tuần này, Trung Quốc tiếp tục ngụy biện rằng, việc nước này đưa tên lửa ra biển Đông không khác việc Mỹ đưa vũ khí ra đảo Hawaii. Tuần trước, Mỹ cáo buộc Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông với hành động đưa tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trước câu hỏi liệu vấn đề biển Đông và tên lửa có được nói đến khi ông Vương Nghị sang Mỹ để gặp Ngoại trưởng John Kerry hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua nói rằng, Washington không nên dùng vấn đề cơ sở quân sự trên các đảo “làm cớ để gây ồn ào”. Bà Hoa nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng, Mỹ không liên quan tranh chấp ở biển Đông, và nên ngừng “thổi phồng” tranh chấp, nhất là khi Trung Quốc chỉ đưa vũ khí “hạn chế” ra đó. Đại diện Trung Quốc cũng đổ lỗi cho tàu chiến và máy bay Mỹ tuần tra ở biển Đông những năm gần đây đã làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.
Ông Vương Nghị dự kiến thăm Mỹ từ hôm nay (23/2) đến ngày 25/2. Bà Hoa nói rằng, hai bên sẽ thỏa luận vấn đề Triều Tiên, và cũng nhắc lại quan điểm của Trung Quốc về việc Mỹ có thể triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa sau khi Triều Tiên gần đây phóng tên lửa.
Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn thông báo của cơ quan quản lý các tài sản nhà nước Trung Quốc cho biết Cty Điện lực miền Nam Trung Quốc sẽ lập một trạm quản lý điện tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, nhằm cung cấp điện lưới cho 16 đảo khác. Trong dài hạn, trạm này sẽ quản lý từ xa lưới điện của nhiều đảo.
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng mạnh
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng gấp đôi trong 5 năm qua, còn nhập khẩu vũ khí của nước này giảm 25% trong giai đoạn 2011-2015, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế viết trong báo cáo mới nhất về chuyển giao (mua bán, viện trợ…) vũ khí toàn cầu. Trung Quốc chiếm 5,9% thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu, đứng thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Nga). Báo cáo cho biết, tổng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2015 là 141,45 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước. Xuất khẩu vũ khí của Mỹ và Nga tăng tương ứng 27% và 28% trong giai đoạn 2011-2015, còn các nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư và thứ năm là Pháp và Đức giảm xuất khẩu trong cùng kỳ.
Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu các loại máy bay vận tải cỡ lớn, trực thăng và động cơ cho máy bay và tàu chiến. Năm 2015, Trung Quốc ký thỏa thuận mua các hệ thống phòng không và hơn hai chục máy bay chiến đấu từ Nga, AP ngày 22/2 dẫn báo cáo cho biết.
Theo tienphong