Liên hợp quốc kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng các nguyên tắc pháp quyền sau vụ đảo chính
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 19/7, ông Zeid đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hàng loạt thẩm phán và công tố viên sau vụ đảo chính ngày 15/7. Theo ông Zeid, Thổ Nhĩ Kỳ cần đưa ra phản ứng dựa trên các nguyên tắc pháp quyền, thông qua việc tăng cường bảo vệ nhân quyền và thực thi dân chủ. “Những đối tượng gây ra bạo lực cần bị xét xử trước công lý, dựa trên cơ sở tôn trọng đầy đủ những tiêu chí về xét xử công bằng…Các nhà quan sát độc lập cần được cho phép tiếp cận các trung tâm giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi những người bị giam giữ phải được quyền tiếp cận với luật sư và gia đình của họ” – ông Zeid nói, đồng thời lưu ý thêm rằng đây là yếu tố “đặc biệt quan trọng” nhằm bảo đảm rằng vấn đề nhân quyền không bị lạm dụng nhân danh các vấn đề về an ninh cũng như Ankara không vội vàng trong việc trừng trị những đối tượng tình nghi.
Cũng trong tuyên bố ngày 19/7, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền đã bày tỏ sự tiếc nuối trước việc các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ khả năng khôi phục án tử hình sau đảo chính. “Thổ Nhĩ Kỳ đã xóa bỏ án tử hình vào năm 2004, song trên thực tế đã không áp dụng khung hình phạt này trong vòng 32 năm qua – từ năm 1984…Việc khôi phục án tử hình sẽ phá vỡ những cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ theo luật nhân quyền quốc tế và được xem là một bước đi dài theo hướng sai lầm…Tôi kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trước việc quay ngược thời gian trong vấn đề bảo vệ nhân quyền” – ông Zeid nói.
Tuyên bố trên được ông Zeid đưa ra trong bối cảnh ngày 19/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ phê chuẩn việc khôi phục án tử hình nếu như vấn đề này được đưa ra trước Quốc hội. Ông Erdogan cho biết, trong ngày 20/7, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triệu tập phiên họp Hội đồng An ninh quốc gia và tiến hành họp Nội các ngay sau đó để làm cơ sở đưa ra một “quyết định quan trọng” liên quan tới vụ đảo chính bất thành hồi tuần trước.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nhấn mạnh chính quyền Ankara sẽ tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và không bị kích động trước ý đồ trả thù các đối tượng tình nghi trong vụ đảo chính. “Một sai lầm không thể được bào chữa bởi một sai lầm khác. Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia có luật pháp. Chúng tôi sẽ thu xếp mọi việc ổn thỏa trong khuôn khổ luật pháp. Những đối tượng nào có hành vi sai trái sẽ phải đối mặt với hệ thống tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ” – ông Yildirim nói
Theo dangcongsan