Kinh tế Nga trở lại quỹ đạo
Các công nhân Nga tại một nhà máy lắp ráp xe hơi ở thị trấn Vsevolozhsk - Ảnh: Bloomberg |
Chỉ riêng trong tháng này, đồng rúp đã tăng 20% giá trị so với đồng USD, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới, theo tạp chí Foreign Policy. Đến ngày 15.4, giá trị đồng rúp tăng thêm 2% để lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 50 rúp đổi 1 USD kể từ tháng 11 năm ngoái.
Mặc dù giới quan sát vẫn còn chia rẽ về triển vọng nền kinh tế Nga, các nhà đầu tư dường như đang có cái nhìn lạc quan hơn về đồng rúp trong bối cảnh giá dầu tiếp tục giữ đà tăng trong vài tuần qua. Một số nhà phân tích lý giải đồng rúp tăng trở lại là nhờ thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa chính phủ Ukraine và quân nổi dậy ở miền đông hồi tháng 2. Số khác khẳng định sự phục hồi của đồng nội tệ Nga là nhờ các sự kiện bên ngoài lãnh thổ Ukraine.
Cụ thể, giá dầu gia tăng có thể đã giúp giá trị đồng rúp tăng lên vì chính phủ Nga hiện phụ thuộc vào nguồn tiền đến từ các tập đoàn năng lượng quốc gia khổng lồ. Chính việc Nga xuất khẩu lượng lớn dầu và khí đốt giúp mang lại USD cho nước này. Việc phục hồi ấn tượng của đồng rúp đã thu hút nhiều nhà đầu tư trở lại nước Nga. Theo Bloomberg, các nhà đầu tư trái phiếu, từng chạy khỏi thị trường tài chính Nga, giờ đang lũ lượt quay trở lại vì họ đánh giá thị trường Nga năm nay đã trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với năm ngoái.
Rủi ro tiềm ẩn
Trong khi đồng rúp tăng giá là tin vui cho những người Nga muốn đi du lịch hay mua sắm hàng hóa ở nước ngoài, một số người vẫn bi quan về khả năng kinh tế nước này thật sự khởi sắc. Theo Foreign Policy, có một luồng ý kiến cho rằng đồng rúp không thực sự mạnh lên mà chỉ phục hồi trở lại mức hợp lý sau khi sụt giảm quá sâu hồi năm ngoái. Có thời điểm vào cuối năm 2014, khoảng 80 rúp mới đổi được 1 USD.
Trong năm nay, tăng trưởng của nền kinh tế Nga đã giảm gần 2%. Thị trường chứng khoán Nga - sau khi phục hồi trong 6 tuần đầu năm - đang có xu hướng giảm kể từ giữa tháng 2 và giảm thêm 2% vào ngày 14.4, theo Foreign Policy. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 14.4 thừa nhận lệnh trừng phạt và giá dầu thấp gây ra những rủi ro dài hạn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế nước này. Mặc dù đã phần nào hồi phục, giá dầu vẫn còn cách xa mức 100 USD/thùng mà chính phủ Nga dự trù hồi năm ngoái.
Mặt khác, bất chấp đà hồi phục, giá trị đồng rúp vẫn còn thấp hơn gần 30% so với năm 2014. Marc Chandler, trưởng bộ phận về chiến lược tiền tệ toàn cầu của Ngân hàng Mỹ Brown Brothers Harriman nói ông không cho rằng đồng rúp sẽ phục hồi mạnh hơn bởi cuộc xung đột Ukraine khó mà chấm dứt và giá năng lượng vẫn thấp hơn mức cũ. “Tôi có thể thấy đồng rúp tăng một chút song tôi không tin nó sẽ tăng nhiều hơn nữa”, ông Chandler nhận xét.
Vượt qua khủng hoảng
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16.4 đã có cuộc giao lưu trực tuyến với người dân xung quanh các vấn đề kinh tế và chính sách đối ngoại của Moscow (ảnh).
Ảnh: Reuters
Tại buổi “chất vấn”, chủ nhân Điện Kremlin cho biết nền kinh tế Nga đã vượt qua đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. Ông dẫn chứng đồng rúp bắt đầu ổn định cũng như có dấu hiệu phục hồi và GDP tăng 0,6%, theo tờ The Moscow Times. Tuy nhiên, Tổng thống Nga thừa nhận nước này hiện đối mặt với nhiều vấn đề khi tỷ lệ đầu tư giảm 2,7%, tình trạng thất nghiệp tăng 5,8% và lạm phát tăng tới 11,4% trong khi thu nhập của người dân cũng giảm nhiều.
Ông nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt sẽ kích thích Nga tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế bằng cách hiện đại hóa công nghiệp và nông nghiệp. Tại buổi giao lưu, ông Putin tiếp tục bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng Nga cung cấp binh sĩ và hỗ trợ cho phe nổi dậy ở miền đông Ukraine.
|
Nghị sĩ Nga kêu gọi không trả nợ quốc tế
Các nghị sĩ thuộc đảng Cộng sản Nga vừa trình lên Duma Quốc gia dự luật cho phép tổng thống hủy bỏ các hiệp định với những quốc gia và tổ chức quốc tế áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Nga, bao gồm các thỏa thuận vay nợ quốc tế, theo RT.
Nghị sĩ Vyacheslav Tetekin cho biết ông đề xướng dự luật vì lo ngại khả năng các ngân hàng và công ty Nga bị siết tài sản do không đủ khả năng thanh toán nợ đến hạn.
Nghị sĩ thuộc đảng Cộng sản Nga này cáo buộc các lệnh trừng phạt của phương Tây là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế nên Nga cần có biện pháp trả đũa tương xứng.
Theo Hãng tin RAPSI, nếu được thông qua, dự luật trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1.6.2015.
Vinh Sơn
|
Theo thanhnien