Indonesia trước nguy cơ bất ổn chính trị
|
Chiến thắng của ông Joko Widodo, người được đánh giá là “sạch”, năng động và gần dân, trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia hồi tháng 7 mang lại niềm hy vọng về cải cách cho đất nước 240 triệu dân này. Tuy nhiên, trong lúc ông Jokowi, tên thường gọi của Joko Widodo, đang bận rộn chuẩn bị cho lễ nhậm chức ngày 20.10 thì chính trường Indonesia đã có những diễn biến gây lo ngại.
Liên minh cầm quyền của ông Jokowi chỉ chiếm 207/560 ghế hạ viện (37%), còn liên minh đối lập KMP của ứng viên thất cử Prabowo Subianto lại chiếm 52% số ghế. Giữa lúc ông Jokowi chưa thể lôi kéo các nghị sĩ đối lập và độc lập để cải thiện tình trạng trên thì đã xuất hiện diễn biến mà tờ Jakarta Globe (Indonesia) gọi là “sự mất trí” của nền chính trị xứ này. Với lợi thế đa số, KMP đã đưa các ứng viên của mình nắm toàn bộ 5 vị trí cao nhất trong cơ quan lập pháp quốc gia gồm 1 chủ tịch và 4 phó chủ tịch hạ viện.
Ở thế thiểu số lại không có người giữ các vị trí quan trọng trong hạ viện, theo các nhà quan sát, vị tân tổng thống được kỳ vọng sẽ đem lại đổi mới cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong 5 năm tới “coi như bị trói tay”.
Khác với tâm thế hân hoan vài tháng trước đây, công chúng xứ vạn đảo nay hoang mang thực sự. “Tôi đã nghe trực tiếp những lo ngại của giới doanh nghiệp trước tình hình hiện tại. KMP đang thao túng hạ viện và có thể ngăn Tổng thống Jokowi điều hành bộ máy hành chính một cách hiệu quả”, Bộ trưởng Điều phối kinh tế Chairul Tanjung nói.
Việc bổ nhiệm ông Setya Novanto, nhân vật bị cho là dính vào ít nhất 3 vụ trọng án tham nhũng dù chưa bị truy tố, làm chủ tịch hạ viện cũng gây nhiều lời ra tiếng vào. Ngoài ra, ít nhất 2 trong 4 phó chủ tịch từng đòi truất bớt thẩm quyền của Ủy ban Tiệt trừ tham nhũng quốc gia (KPK). Dư luận cũng đặc biệt lo ngại khi hạ viện mới đây đã thông qua việc sửa đổi Đạo luật về các cơ quan lập pháp, buộc KPK phải xin phép hạ viện trước khi điều tra những nghị sĩ bị nghi “nhúng chàm”.
Chưa hết, cũng dưới sự dẫn dắt của KMP, hạ viện Indonesia thông qua dự luật bãi bỏ quy chế bầu cử trực tiếp lãnh đạo địa phương. Được đánh giá là một cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ bầu cử nặng tính bè phái thời trước, chế độ bầu cử trực tiếp được áp dụng từ năm 2005 đã giúp phát hiện nhiều “chính trị gia chân đất” như Tổng thống tân cử Jokowi. Theo dự luật, người dân không còn quyền tiến cử ứng viên. Thay vào đó, cơ quan lập pháp địa phương được trao quyền lựa chọn ứng viên trong khi KMP đang nắm hội đồng lập pháp của 31/34 tỉnh thành trong cả nước. Vì thế, báo chí Indonesia nhìn nhận quyết định này là một “bước lùi lịch sử”.
Từ những diễn biến trên, nhiệm kỳ 5 năm tới của ông Jokowi dự báo là sẽ đầy khó khăn trong khi Indonesia đối mặt nguy cơ chia rẽ và bất ổn chính trị.
Theo thanhnien