Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 12/07/2016

Hôm nay, Trung Quốc đối mặt luật pháp quốc tế

Nội dung phán quyết

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 11/7, luật sư, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, cho biết, những nội dung Tòa trọng tài sẽ ra phán quyết có thể được chia thành 3 nhóm chính.

Thứ nhất, Philippines đề nghị tòa xác định yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc bao trùm gần hết biển Đông có phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) hay không. 

Thứ hai, Philippines đưa ra danh sách các đá, bãi ngầm ở khu vực Trường Sa để đề nghị tòa dựa trên UNCLOS xác định quy chế pháp lý của những cấu trúc này xem chúng có được hưởng các vùng biển liền kề như đảo hay không. 

Vấn đề thứ ba liên quan quyền đánh cá của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế  (EEZ) của nước này. Philippines tố cáo Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền chủ quyền của họ trong EEZ của họ theo UNCLOS. Ngoài 3 nhóm vấn đề lớn đó còn có những nội dung nhỏ khác mà Philipines cũng đề nghị tòa xem xét.

TS Giao cho biết, Tòa trọng tài thường trực (PCA) là cơ chế lâu đời nhất trong số các thiết chế tài phán quốc tế hiện nay. Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hợp Quốc hình thành từ năm 1945, còn PCA hình thành từ cuối thế kỷ 19, thời của Hội Quốc Liên.

 Sau khi Hội Quốc Liên tan rã và Liên Hợp Quốc ra đời sau Chiến tranh thế giới 2, PCA vẫn tiếp tục tồn tại và được đặt cạnh Tòa án Công lý quốc tế tại La Hay. Điều này nói lên bề dày lịch sử của PCA và đến bây giờ các quốc gia vẫn sử dụng nó. PCA phải là thiết chế tài phán chuyên nghiệp, khách quan, vô tư, chuyên trách thì mới đảm bảo được uy tín để các nước lựa chọn, vì đây là cơ chế không bắt buộc.

“Bắc Kinh có thể sẽ áp đặt ADIZ trong không phận từ đảo Hải Nam (của Trung Quốc) tới quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) bởi vì Trung Quốc đã có các cơ sở radar và máy bay quân sự để thi hành”.

GS Carlyle Thayer - Học viện Quốc phòng Úc

Hệ thống thẩm phán của PCA được chọn rất kỹ lưỡng. Họ có một danh sách chuyên gia hàng đầu về pháp luật quốc tế là thành viên của PCA. Các quốc gia có thể lựa chọn trong danh sách đó hoặc đề xuất ngoài danh sách, cho thấy tính dân chủ luôn được đảm bảo ở mức cao. Philippines đưa ra lựa chọn của họ. Tòa cũng dành cho Trung Quốc quyền đề xuất, nhưng nước này không tham gia nên trọng tài PCA lựa chọn thay. 

Thành viên của Tòa trọng tài gồm toàn những người có tên tuổi. Điều này cho thấy, những chuyên gia quốc tế hàng đầu làm việc tại một thiết chế tài phán quốc tế uy tín như PCA thì chắc chắn tính chuyên nghiệp của họ rất cao.

 Lòng tự trọng nghề nghiệp sẽ không cho phép họ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, và phán quyết của họ sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế. Phán quyết có lợi cho Philippines hay không là chuyện khác, nhưng phải nhấn mạnh phán quyết của tòa phải phù hợp với luật pháp quốc tế, TS Giao nói.

Hôm nay, Trung Quốc đối mặt luật pháp quốc tế - ảnh 1

TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, nhận định, tình hình biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài phụ thuộc nhiều vào cách hành xử của Trung Quốc. Ảnh: Thanh Phong

Theo ông Giao, pháp luật quốc tế khó tránh khỏi tác động từ yếu tố chính trị, nhưng tác động lên phán quyết của tòa chỉ ở mức một số luận điểm trong phán quyết có thể không trực diện, không thẳng thắn để người ta có thể thấy rõ trắng đen. 

Yếu tố chính trị có thể thể hiện trong ngôn từ bác học pháp lý quốc tế. Khả năng đó có thể xảy ra, và các bên không chịu thi hành có thể cố tình diễn giải theo cách của họ. “Tôi nghĩ điều đó khó tránh khỏi. Nhưng nội dung cơ bản sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế”, TS Giao nói. 

Tính toán của Trung Quốc

Nhận định về phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết, giới chuyên gia quốc tế nói nhiều nhất đến khả năng Trung Quốc bắt đầu cải tạo bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc giành quyền kiểm soát từ Philippines từ năm 2012) hoặc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.

Tuy nhiên, ông Taylor Fravel, phó giáo sư ngành khoa học chính trị tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), cho rằng, cách phản ứng của Trung Quốc xuất phát từ sự tính toán phức tạp hơn nhiều. Trong một bài viết vừa đăng trên báo Hong Kong South China Morning Post, ông Fravel cho rằng, bản thân tòa trọng tài không thể giải quyết hết những vấn đề tranh chấp trên biển Đông dưới khía cạnh chủ quyền và quyền tài phán trên biển. 

Tòa trọng tài không thể xác định ai sở hữu thực thể nào trên biển Đông, hay các đường ranh giới trên biển phải được vẽ như thế nào. Thay vào đó, tòa sẽ tập trung vào cách giải thích UNCLOS dựa trên những thực tế liên quan đến vụ kiện. 

Với những hạn chế đó, yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến phản ứng của Trung Quốc là nội dung phán quyết của Tòa. Yếu tố thứ hai là cách phản ứng của các quốc gia khác. Theo UNCLOS, phán quyết của tòa mang tính ràng buộc với các bên, ngay cả khi một bên không tham gia quá trình tố tụng. Tuy nhiên, tòa không có cơ chế triển khai phán quyết.

Hôm nay, Trung Quốc đối mặt luật pháp quốc tế - ảnh 2

Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông. Ảnh: People’s Daily.

Đầu tuần này, ông Đới Bỉnh Quốc, cựu Ủy viên quốc vụ Trung Quốc, tuyên bố trong một hội nghị ở Washington DC, rằng “không quốc gia nào nên triển khai quyết định của tòa dưới bất kỳ hình thức nào, để ép Trung Quốc triển khai phán quyết”. Ngụ ý chính trong câu nói này là Trung Quốc sẽ có hành động quyết liệt. Trung Quốc có khả năng sẽ tập trung vào cách phản ứng của Philippines và liệu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có tham gia với Trung Quốc bằng con đường ngoại giao hay không.   

Ở mức tối thiểu, Mỹ sẽ ủng hộ bằng lời nói đối với phán quyết. Tòa trọng tài là ví dụ rõ ràng cho việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình - điều đóng vai trò chủ chốt trong chính sách của Mỹ đối với tranh chấp ở biển Đông. Nhưng có thể phán quyết của tòa sẽ rất dài và các vấn đề đan xen nhau, khiến các quốc gia quan tâm và ủng hộ Tòa trọng tài sẽ cần nghiên cứu chi tiết trước khi quyết định cách phản ứng.

Yếu tố cuối cùng định hình cách phản ứng của Trung Quốc chính là vấn đề ngoại giao khu vực. Diễn đàn Khu vực ASEAN sẽ được tổ chức vào cuối tháng này, còn Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sẽ diễn ra vào tháng 9 và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra vào tháng 11. Cải tạo Scarborough hay lập ADIZ ở biển Đông sẽ khiến vấn đề tranh chấp trở thành chủ đề chính trong các cuộc họp của khu vực và có khả năng thúc đẩy hợp tác an ninh giữa Mỹ và các nước liên quan khác - một kết quả mà Trung Quốc cực kỳ muốn tránh.

Ông Harry Kazianis, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ), cho rằng, có 3 khả năng Trung Quốc sẽ làm sau khi tòa đưa ra phán quyết. Thứ nhất, Trung Quốc sẽ không làm gì hơn so với những gì họ đang làm. Như chúng ta thấy, Trung Quốc đang quân sự hóa tất cả những đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng trái phép trên biển Đông trong mấy năm qua và điều họ có thể làm hiện nay chỉ là tiếp tục quân sự hóa. 

Bắc Kinh cũng có thể đưa tên lửa chống hạm hoặc các phương tiện quân sự chống máy bay ra đó. Nhưng đây có thể là lựa chọn ít xảy ra nhất, vì lãnh đạo Trung Quốc cũng như dân chúng nước này sẽ muốn phản ứng mạnh hơn nếu phán quyết của tòa chống lại họ. Thứ hai, Trung Quốc sẽ lập ADIZ trên biển Đông.

Lựa chọn này dễ xảy ra nhất. Về cơ bản, những thứ Trung Quốc đã làm trên biển Đông thực sự đang dẫn đến khả năng này. Câu hỏi đặt ra hiện nay là nó hiệu quả đến mức nào. Trung Quốc trước đó đã lập ADIZ trên biển Hoa Đông, và giới chuyên gia cho rằng, vùng này không mạnh về mặt răn đe quân sự. 

Biển Đông lại rộng lớn. Vì thế, liệu Trung Quốc có thể làm điều này hay không vẫn là câu hỏi ngỏ, nhưng chỉ riêng việc tuyên bố lập ADIZ cũng sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi. Thứ ba, Trung Quốc sẽ gây áp lực thêm cho khu vực, giống như trên biển Hoa Đông. Lãnh đạo Trung Quốc gần đây tuyên bố họ không sợ phiền phức trên biển Đông.

Đánh giá về tác động của phán quyết đối với các nước trong khu vực, TS Giao cho rằng, dù Philippines là bên khởi kiện, nhưng quyết định của Tòa về “đường 9 đoạn” sẽ trở thành căn cứ pháp lý rất quan trọng giúp họ định hình chiến lược, xây dựng hồ sơ khởi kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền, khi “đường 9 đoạn” xâm phạm đến chủ quyền và quyền chủ quyền của họ ở biển Đông.

Công luận và dư luận quốc tế sẽ ủng hộ phán quyết này. Bởi nó đáp ứng xu thế tuân thủ luật pháp quốc tế, TS Giao nói.

Cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS

Cơ quan tài phán Philippines sử dụng trong vụ kiện chống lại Trung Quốc trên biển Đông có tên gọi đầy đủ là “Tòa Trọng tài tổ chức theo Phụ lục VII của UNCLOS”. Là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất về Luật Biển, UNCLOS có 166 nước thành viên, bao gồm tất cả các bên trong tranh chấp biển Đông. Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS năm 1996, Việt Nam phê chuẩn năm 1994. Mỹ chưa phê chuẩn Công ước.

UNCLOS quy định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc sử dụng đại dương, thiết lập cơ sở cho các hoạt động quản lý tài nguyên, giao thương trên biển và bảo vệ môi trường. Phần XV của UNCLOS quy định về cơ chế giải quyết cho các tranh chấp liên quan đến “áp dụng và giải thích các điều khoản của Công ước”, trong đó bao gồm các biện pháp giải quyết tranh chấp qua toà án và trọng tài.

Có bốn cơ quan tài phán mà các bên có thể lựa chọn sử dụng là: Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Tòa Trọng tài tổ chức theo Phụ lục VII và Tòa Trọng tài theo Phụ lục VIII. Phán quyết của các tòa này là chung thẩm và có giá trị bắt buộc với các bên trong tranh chấp. Cơ chế Tòa trọng tài theo Phụ lục VII là cơ chế duy nhất cho phép một bên trong tranh chấp được đơn phương khởi kiện bên còn lại ra tòa. Việc một bên vắng mặt không làm cản trở hoạt động của tòa và phán quyết vẫn có giá trị ràng buộc với các bên.

Theo tienphong

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready