Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 01/09/2017

Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp APEC đạt được nhiều kết quả quan trọng

 Họp báo thông tin kết quả Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp APEC và các cuộc họp liên quan. (Ảnh: Đặng Hải)

Đây là hội nghị quan chức cao cấp APEC và các cuộc họp liên quan có quy mô lớn nhất năm 2017, kéo dài 13 ngày với gần 80 hoạt động và khoảng 3.000 đại biểu, trong đó có nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng của các thành viên APEC, đại diện các tổ chức quan sát viên của APEC, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng giới doanh nghiệp, học giả và truyền thông trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017 cho biết: Đợt Hội nghị SOM 3 lần này diễn ra trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của kinh tế, thương mại toàn cầu và khu vực khởi sắc hơn; dự báo tăng trưởng của khu vực sẽ tiếp tục cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu (3,8% so với 3,5%). Tuy nhiên, gia tăng khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế cũng như trong bản thân từng nền kinh tế, sự nổi lên của nhiều thách thức an ninh phi truyền thống (thiên tai, bệnh dịch, già hóa dân số, biến đổi khí hậu…) tiếp tục đặt ra nhu cầu APEC cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng và tăng cường hợp tác, liên kết để đáp ứng thiết thực hơn các quan tâm của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, gần 80 hoạt động diễn ra trong những ngày qua đã hướng tới mục tiêu này và đề cập đến những vấn đề hết sức gần gũi với người dân và doanh nghiệp. Đó là phát triển nguồn nhân lực, cải cách cơ cấu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chống tham nhũng, ứng phó thiên tai, cải thiện môi trường kinh doanh...

Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, với sự vào cuộc tích cực của ủy ban quốc gia, các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam, Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017 và đóng góp tích cực của các sở, ban, ngành, người dân và doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan đã đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, với những kết quả nổi bật sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh còn có nhiều lo ngại về phân bổ không đồng đều các lợi ích của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, các thành viên đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đưa hợp tác APEC mang lại những lợi ích thiết thực, cụ thể cho từng nền kinh tế, từng cộng đồng người dân cũng như doanh nghiệp.

Theo đó, vấn đề phát triển bao trùm trở thành một nội dung thảo luận xuyên suốt tại các ủy ban, nhóm công tác APEC lần này, trên cả 3 phương diện: kinh tế, tài chính và xã hội.

Sáng kiến của Việt Nam tổ chức Diễn đàn phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong APEC - một hoạt động quan trọng hướng tới thúc đẩy phát triển bao trùm ở khu vực đã nhận được sự ủng hộ và tham gia rất tích cực của các thành viên cùng nhiều tổ chức quốc tế. Đây là lần đầu tiên APEC tổ chức một diễn đàn gắn kết được vấn đề phát triển bao trùm trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội, nhằm phối hợp chính sách và hành động giữa các ủy ban, nhóm công tác của APEC. Cuộc họp đã đi đến nhận thức chung về sự cần thiết hình thành một Chương trình hành động APEC về phát triển bao trùm, trong đó có các tiêu chí cụ thể, các giải pháp liên ngành, các biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế và pháp lý liên quan thúc đẩy phát triển bao trùm…

Các kết quả của Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế - Kinh tế ngày 23-24/8 và của Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ cũng đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển bao trùm về kinh tê và xã hội của APEC. Trong các khuôn khổ này, nhiều biện pháp nhằm tăng cường tài chính cho y tế, mở rộng tiếp cận cho mọi thành phần xã hội trong sử dụng các dịch vụ y tế, thu hẹp khoảng cách phát triển nông thôn - đô thị, tạo thuận lợi cho các cộng đồng nông thôn, doanh nghiệp quy mô nhỏ trong ngành nông nghiệp… đã được thảo luận và đạt những kết quả cụ thể. 

Thứ hai, SOM 3 tiếp tục khẳng định quyết tâm của các thành viên thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực thông qua thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, và cùng với đó là trao đổi về các bước đi chuẩn bị cho việc xây dựng tầm nhìn cho APEC sau 2020. Tăng cường liên kết tiếp tục là một động lực quan trọng cho tăng trưởng của khu vực. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các FTAs/RTAs, các thành viên tiếp tục chú trọng việc chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho các thành viên, nhất là các thành viên đang phát triển, trong việc đàm phán, ký kết và triển khai các RTAs/FTAs. Nhiều hoạt động nâng cao năng lực về vấn đề này đã được tổ chức trong dịp SOM 3 lần này.  

Trong bối cảnh nhiều cơ chế hợp tác mới đang hình thành ở khu vực, để nâng cao vai trò của APEC, các thành viên cũng nhất trí là cần có thảo luận về các bước đi chuẩn bị cho việc xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020.

Thứ ba, các quan chức cao cấp đã thông qua 3 văn bản định hướng trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành, gồm: Khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, Bộ kinh nghiệm điển hình về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, Khuôn khổ giám sát đối với Chương trình hành động Khung kết nối cung ứng (SCFAP II) và nhất trí sẽ báo cáo các kết quả này lên các nhà Lãnh đạo APEC.

Hội nghị cũng nhất trí sẽ báo cáo lên các nhà Lãnh đạo APEC kết quả cuả Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững, Cuộc họp cao cấp về Y tế - Kinh tế và Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những kết quả này đều đáp ứng thiết thực quan tâm của các thành viên, các doanh nghiệp và người dân trong khu vực, đồng thời cũng đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm của phát triển.

Các quan chức cao cấp cũng được báo cáo về tiến độ dự thảo Chiến lược APEC về MSMEs xanh, sáng tạo và bền vững, Lộ trình về kinh tế số và kinh tế mạng…

Thứ tư, Hội nghị cũng đã thảo luận việc chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và các hoạt động cấp Bộ trưởng của APEC sắp tới. Trong đó chú trọng chương trình và nghị sự của các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao, nội dung và dự kiến các văn kiện sẽ được báo cáo lên các Bộ trưởng và đệ trình Lãnh đạo; lịch gặp gỡ, tiếp xúc song phương trong dịp này.

Thay mặt Ủy ban Quốc gia APEC, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn chân thành cám ơn Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp và người dân Thành phố, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp của Thành phố đã có những đóng góp cụ thể và thiết thực. Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn cám ơn các liên lạc viên, tình nguyện viên và những anh chị em đã được huy động phục vụ các hội nghị APEC đã thể hiện sự hiếu khách, chuyên nghiệp; các nhà báo, phóng viên đã quan tâm và đưa tin kịp thời, góp phần đưa kết quả của các cuộc họp APEC lần này đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tin tưởng kinh nghiệm từ đợt hội nghị này sẽ là cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đăng cai thành công Hội nghị Bộ trưởng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của APEC vào tháng 9 tới.   

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tin tưởng rằng, những kết quả đạt được tại Hội nghị SOM 3 sẽ là nền tảng quan trọng để chuẩn bị Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế và Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC. 

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn; ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC); Tiến sĩ Alan Bollard, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC lần lượt trả lời câu hỏi của phóng viên báo đài về vấn đề liên quan đến Hội nghị lần này.

Theo dangcongsan

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready