Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng: Không thể ra tuyên bố chung về Biển Đông
Trước thềm Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng với 8 nước đối tác đối thoại (ADMM+) tại Malaysia, thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) của VN, cho biết vấn đề an ninh, an toàn tự do hàng hải trên Biển Đông sẽ tiếp tục được nhấn mạnh tại hội nghị lần này.
Đặc biệt là lo ngại về những hoạt động diễn ra gần đây tại Biển Đông đã không thực thi luật pháp quốc tế một cách trọn vẹn. “Hiện nay, những áp dụng về luật pháp quốc tế cũng như Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) đang có những quan điểm khác biệt. Vì vậy, cần phải thống nhất về nhận thức và hành xử theo luật pháp quốc tế đã quy định”, ông nói.
Quả thật, vấn đề Biển Đông và bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực đã trở thành chủ đề nóng nhất của ADMM+ năm nay, đặc biệt xoay quanh các động thái của Mỹ và Trung Quốc. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tiếp tục khẳng định nước này sẽ tiếp tục triển khai tuần tra tại Biển Đông. “Mỹ có quyền điều tàu và máy bay bất cứ khi nào đến những nơi luật pháp quốc tế cho phép”, ông nói.
Bên cạnh đó, Mỹ và Nhật Bản cũng nỗ lực vận động để đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào Tuyên bố chung chính thức của ADMM+ năm nay. Ngược lại, quan chức các đoàn tham gia hội nghị cho biết Trung Quốc đã tác động để tuyên bố chung không đề cập Biển Đông. Đến tận khi hội nghị sắp kết thúc, các bên vẫn không tìm được đồng thuận cuối cùng, chỉ ra Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị để thay thế.
Phát biểu với báo giới, một đại diện đoàn Mỹ nói: “Thà không có tuyên bố chung còn hơn có mà không đề cập vấn đề quan trọng là bồi đắp trên Biển Đông”.
Trong cuộc họp báo cuối ngày, chuyện không có tuyên bố chung trở thành chủ đề nóng nhất để các phóng viên chất vấn Chủ tịch ADMM+ 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. “Đừng trầm trọng hóa sự việc. Không thể ra được tuyên bố chung đơn giản là vì các thành viên chưa có sự đồng thuận, thế thôi. Quyết định không ký kết là do các bên thống nhất đưa ra”, ông Hussein phân trần. Ông cũng nói thêm rằng “việc ký kết một tờ giấy sẽ không giải quyết được hết các xung đột cũng như không thay đổi được thế giới”.
Theo Bộ trưởng, tại hội nghị lần này, các đoàn quan tâm đến những vấn đề thực tế hơn như giảm thiểu tình huống ngoài ý muốn trên Biển Đông và tìm tiếng nói chung cho những vấn đề hiện hữu khác trong khu vực. Tương tự, Bộ trưởng Carter nói: “Việc không có tuyên bố chung đến từ quyền quyết định của các thành viên ASEAN. Tôi chỉ nhận thấy rằng đã có những mối lo ngại thật sự và rất nhiều cuộc trao đổi đã diễn ra trong hội nghị. Vì vậy chúng ta cần theo dõi diễn biến tiếp theo”.
Hợp tác an ninh trên biển
Trong Tuyên bố của Chủ tịch ADMM+ 2015, văn kiện thay thế tuyên bố chung của hội nghị, cũng có nhiều nội dung đáng chú ý.
Về vấn đề Biển Đông, tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử (COC) để duy trì an ninh, ổn định trong khu vực.
Bên cạnh đó, ASEAN và 8 đối tác đối thoại nỗ lực thúc đẩy hợp tác thiết thực về an ninh trên biển, an ninh mạng, ngăn chặn sự trỗi dậy của các lực lượng khủng bố đặc biệt là Nhà nước Hồi giáo (IS), cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo...
Kết thúc hội nghị, Malaysia đã chuyển giao chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ cho Lào, nước Chủ tịch ASEAN năm 2016.
|
Theo thanhnien