Hòa bình Biển Đông là trách nhiệm chung
Ngày 4.7, tại Tokyo diễn ra Hội nghị cấp cao Mê Kông - Nhật Bản lần thứ 7, với sự tham dự của lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự hội nghị.
Chiến lược Tokyo 2015
|
Hội nghị đã rà soát tổng thể tình hình thực hiện Chiến lược Tokyo 2012 trong ba năm qua và nhất trí thông qua Chiến lược Tokyo 2015, với mục tiêu bao trùm cho hợp tác Mê Kông - Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2018 là bảo đảm ổn định khu vực và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại Tiểu vùng Mê Kông.
Trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mê Kông - Nhật Bản, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của đại dương, một tài sản chung của thế giới; khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo an ninh an toàn hàng hải trong khu vực; nhấn mạnh việc cần phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không, an toàn hàng hải, giao thương thông suốt và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn cầu, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Lãnh đạo các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây tại Biển Đông làm phức tạp thêm tình hình, gây xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực.
Biển Đông diễn biến phức tạp
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với quan điểm chung của các nhà lãnh đạo thể hiện trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015. Thủ tướng nhấn mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo tại Biển Đông đang diễn biến phức tạp, những hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên quy mô lớn đã làm thay đổi căn bản nguyên trạng cấu trúc của nhiều đảo, đá và bãi ngầm, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm DOC, làm giảm lòng tin và gia tăng căng thẳng khu vực. Những hành động này đã gây ra quan ngại sâu sắc không chỉ từ các nước ASEAN, từ khu vực mà còn nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là nguyện vọng, lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Các bên liên quan cần tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không làm thay đổi nguyên trạng, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC; thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ quy tắc COC.
Việt Nam ủng hộ “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” của Nhật Bản
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 4.7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, ủng hộ Nhật Bản có vai trò và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ Việt Nam ủng hộ “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” của Nhật Bản vì mục tiêu hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới trên nguyên tắc tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, cùng thịnh vượng.
Hai thủ tướng cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc của các nhà lãnh đạo Mê Kông - Nhật Bản, của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hoạt động lấn biển, xây đảo quy mô lớn. Ngoài ra, hai thủ tướng đã nhất trí tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán song phương giữa VN và Nhật Bản về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ nỗ lực cùng các thành viên khác sớm kết thúc đàm phán TPP.
|
Theo Thanhnien