Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 22/09/2014

Hồ sơ vũ khí hạt nhân Israel

 Thủ tướng Israel Golda Meir (trái) và Tổng thống Richard Nixon tại Washington năm 1969 - Ảnh: Corbis
Thủ tướng Israel Golda Meir (trái) và Tổng thống Richard Nixon tại Washington năm 1969
 - Ảnh: Corbis

Dù không được thừa nhận chính thức nhưng hiện nay hầu như ai cũng biết Israel sở hữu vũ khí hạt nhân. Cách đây 45 năm, vấn đề này lại là chuyện tuyệt mật đối với chính phủ Mỹ. Theo các hồ sơ vừa được giải mật trong tháng 9, vào đầu năm 1969, giới chức Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và CIA đã có cuộc tranh luận nóng bỏng về những nguy cơ từ một đất nước Israel vũ trang hạt nhân, sau khi nắm được thông tin tình báo cho thấy Nhà nước Do Thái tiến rất gần đến việc sở hữu loại vũ khí này.

Báo động

Theo tiết lộ từ các hồ sơ được giữ kín trong gần nửa thế kỷ, vào tháng 2.1969, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Paul Warnke là người đầu tiên cảnh báo Bộ trưởng Melvin Laird về nguy cơ đến từ Israel và thúc giục Lầu Năm Góc đưa ra lập trường cứng rắn. Warnke khi đó vừa kết thúc một vòng đàm phán với Đại sứ Israel Yitzhak Rabin về vụ bán chiến đấu cơ Phantom cho Tel Aviv. Ông đã cố gắng đưa ra điều kiện Israel phải ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) song bị khước từ. Warnke cảnh báo chỉ có hành động quyết liệt của Mỹ, kể cả hủy bỏ thương vụ Phantom, mới có thể ngăn chặn Israel trở thành quốc gia hạt nhân. Giới chức Mỹ khi đó lo sợ điều này sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua hạt nhân ở Trung Đông và làm phức tạp cục diện Chiến tranh lạnh trong bối cảnh Liên Xô đang cung cấp vũ khí cho các nước Ả Rập. Bộ trưởng Laird tán đồng quan điểm của Warnke và yêu cầu triệu tập phiên họp cấp cao của Nhà Trắng để thảo luận. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Earle Wheeler cũng nhấn mạnh nguy cơ từ vũ khí hạt nhân Israel và đề nghị Nhà Trắng phải gây sức ép.

Tuy nhiên, cuộc họp do ông Laird đề xuất bị bác. Thay vào đó, theo chỉ thị của Tổng thống Richard Nixon, Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger đề nghị Bộ trưởng Laird, Ngoại trưởng William Rogers và Giám đốc CIA Richard Helms tham gia một nhóm công tác mang tên NSSM 40 được thành lập để nghiên cứu chương trình vũ khí hạt nhân Israel.

Các hồ sơ về hoạt động của NSSM 40 chính là những tài liệu vừa được giải mật. Chúng giúp hé lộ diễn biến cuộc tranh luận được che giấu trong nhiều thập niên và giải thích tại sao cho đến nay Washington vẫn tôn trọng lập trường “hư hư thực thực” về hạt nhân của Tel Aviv. Theo chuyên san Foreign Policy, các ước lượng không chính thức dựa trên tài liệu tình báo rò rỉ cho biết Israel có thể sở hữu 80 đầu đạn và một số lượng không rõ nguyên liệu hạt nhân ở cấp có thể sản xuất vũ khí.

Thỏa hiệp

Thoạt tiên, các cơ quan trong chính phủ Mỹ đều nhất trí Israel phải ngưng sản xuất vũ khí hạt nhân để đổi lại việc phát triển tên lửa đạn đạo Jechiro, phải tham gia NPT và cho phép Mỹ thanh sát thường xuyên cơ sở hạt nhân Dimona. Tuy nhiên, họ bất đồng về cách gây sức ép với Israel cũng như tranh cãi liệu có nên ngưng thỏa thuận bán chiến đấu cơ Phantom hay không.

Lầu Năm Góc hối thúc trừng phạt Israel, kể cả hạn chế bán các loại vũ khí thông thường và trì hoãn chuyển giao chiến đấu cơ Phantom, nếu nước này không tuân thủ các yêu cầu trên. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao muốn tiếp cận vấn đề bằng “phương pháp thuyết phục”. Rốt cuộc, Bộ trưởng Quốc phòng Laird và các phụ tá đã thất bại trong cuộc tranh luận diễn ra vài tháng trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Israel Golda Meir. Gây sức ép dần biến thành thỏa hiệp dưới sự lèo lái của Trợ lý Ngoại trưởng về Cận Đông Joseph Sisco. Theo đó, Washington buộc phải chấp nhận chương trình của Tel Aiv là một hiện thực và bất kỳ áp lực nào cũng chỉ khiến đồng minh “khó chiều” này đẩy nhanh quá trình sản xuất và mở rộng quy mô.

Theo các hồ sơ, Nhà Trắng cuối cùng đã rút lui hoàn toàn, đồng ý chấp nhận cam kết của Israel rằng họ chỉ sở hữu “giải pháp kỹ thuật” để sản xuất vũ khí hạt nhân. Thực tế, chính quyền Nixon đã vạch ra “mức kép” cho Israel trong việc trở thành quốc gia hạt nhân. Mức thứ nhất là sở hữu “giải pháp kỹ thuật”, tức nắm trong tay mọi thứ để chế tạo vũ khí hạt nhân. Mức thứ hai là công khai tuyên bố trở thành quốc gia hạt nhân, bằng các cách thức như thử hạt nhân và đưa ra xác nhận với thế giới.

Điều này được thể hiện trong thỏa thuận bí mật giữa Nixon và Meir vào ngày 26.9.1969. Theo Foreign Policy, 2 nhà lãnh đạo đồng ý về việc ngầm công nhận thực tế Israel là một quốc gia hạt nhân không tuyên bố. Nghĩa là Mỹ sẽ chấp nhận trạng thái hạt nhân của Israel miễn là Tel Aviv không bao giờ công khai thừa nhận. Cho đến tận ngày nay, thỏa thuận bí mật đó vẫn là nền tảng cho quan hệ hạt nhân giữa 2 nước, bất chấp đi ngược lại những lợi ích không phổ biến hạt nhân của thế giới.

Giải pháp Samson

Giải pháp Samson là cụm từ được một số chuyên gia đặt cho chiến lược răn đe hạt nhân của Israel theo tên nhân vật Samson trong Kinh thánh, người xô đổ một ngôi đền để chết chung với hàng ngàn người Philistine đang bắt giữ ông.

Theo đồn đại, việc sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa hàng loạt được xem là “giải pháp cuối cùng” nếu sự tồn tại của Israel bị đe dọa. Cụ thể, vũ khí hạt nhân sẽ được dùng để tiêu diệt các thành phố lớn trong thế giới Ả Rập theo kiểu “đồng quy ư tận” một khi Israel thất thủ. Một số lời đồn còn nói vũ khí hạt nhân Israel thậm chí được nhắm đến hầu hết các thành phố lớn ở châu Âu như một phần của Giải pháp Samson.

Trong cuộc chiến năm 1973, khi lực lượng Ả Rập áp đảo Israel, Thủ tướng Golda Meir từng ra lệnh chuẩn bị sử dụng 13 quả bom hạt nhân. Trong cuốn The Samson Option: Israel's Nuclear Arsenal and American Foreign Policy (Giải pháp Samson: Kho vũ khí hạt nhân Israel và chính sách đối ngoại Mỹ), nhà báo Seymour Hersh cho biết đại diện ngoại giao Israel tại Mỹ khi đó đã cảnh báo Tổng thống Nixon về “những kết cục rất nghiêm trọng” nếu Washington không tiếp tế vũ khí cho Israel. Nixon đã chiều theo yêu cầu này. Một số nhà bình luận xem đó là lần đầu tiên Tel Aviv đưa ra lời đe dọa sử dụng Giải pháp Samson.

 

Bí mật quốc gia

Năm 2006, khi phát biểu tại phiên điều trần trước quốc hội để chuẩn bị nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông Robert Gates đã nói Israel là một quốc gia hạt nhân.

Cựu Tổng thống Jimmy Carter trong vài năm gần đây thường xuyên đề cập chuyện này. Tuy nhiên, theo tờ The Atlantic, không phải ai cũng mạnh miệng như vậy. Trên thực tế, các quan chức và nghị sĩ Mỹ thường bị nhắc nhở không nói đến kho vũ khí hạt nhân Israel. Một số người còn bị kỷ luật nếu vi phạm. Chẳng hạn, chuyên gia hạt nhân kỳ cựu tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos James Doyle mới đây cáo buộc ông bị sa thải vì thừa nhận Israel có vũ khí hạt nhân trong một bài viết trên tờ Survival ở Anh vào tháng 2.2013.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho thấy ông vẫn duy trì chính sách giữ bí mật ngay từ cuộc họp báo đầu tiên ở Nhà Trắng vào năm 2009. Khi được hỏi có biết nước nào ở Trung Đông có vũ khí hạt nhân hay không, ông Obama trả lời: “Tôi không muốn đồn đoán những thứ liên quan đến vũ khí hạt nhân”.

Theo thanhnien

 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready