Giá dầu thô giảm mạnh và những tác động trái chiều đối với các nước Đông Nam Á
Giá dầu lao dốc nằm ngoài mọi dự báo
Đầu năm 2014, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới được giữ ở mức tương đối ổn định trên 100 USD/thùng, có thời điểm đạt tới 110 USD/thùng. Mỗi ngày, cán cân cung - cầu dầu mỏ được giữ ở mức 93-94 triệu thùng, cung vượt cầu chỉ dưới mức 800.000 thùng nên giá cả vẫn ở mức cao và có khuynh hướng tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2014 cho tới đầu năm 2015, giá dầu thế giới sụt giảm một cách nhanh chóng, nằm ngoài dự báo của các nhà kinh tế. Đến thời điểm tháng 2/2015, giá dầu chỉ dao động ở khoảng 55-56 USD/thùng, sụt giảm 45% giá trị so với đầu năm 2014.
Trên đà lao dốc, giá dầu tiếp tục giảm sâu ở nửa cuối năm 2015 và đến đầu năm 2016, liên tiếp ghi nhận mức đáy là gần 28 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 12 năm từ 2004 tới nay. Nhiều chuyên gia phân tích còn lo ngại, giá dầu có khả năng xuống tới 20 USD/thùng.
Tác động tích cực…
Giá dầu giảm mạnh có tác động rất lớn đối với nền kinh tế của các nước trên thế giới, tới tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và cả các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2016 sẽ là bước ngoặt lớn đối các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á- ASEAN. Các nước sẽ thực hiện những thay đổi nội bộ quan trọng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho cộng đồng Kinh tế ASEAN thành lập cuối năm 2015 đi vào ổn định và phát triển.
Ngân hàng châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo mức độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 của các nước ASEAN giảm từ 5,1% đến 5,3% so với trước đó nhưng có nhiều khả năng phần lớn các nền kinh tế nhập khẩu dầu ròng ở khu vực sẽ vẫn giữ được mức gia tăng GDP cao hơn nhiều nước khác trên thế giới.
Tuy nhiên, trong lúc các quốc gia Đông Nam Á và nhiều vùng khác hưởng lợi từ giá dầu rẻ thì điều này lại gây ra không ít vấn đề cho các nền kinh tế đang lên trong khu vực.
Ở Đông Nam Á, đối với các quốc gia chủ yếu nhập khẩu dầu từ nước ngoài, nền kinh tế phụ thuộc vào các ngành sản xuất công nghiệp cần nhiều nhiên liệu, sản xuất hàng tiêu dùng, giao thông vận tải, nhu cầu tiêu thụ khí đốt của người dân cao thì giá dầu và năng lượng giảm sẽ mang lại lợi ích lớn.
Ở tầm vi mô, điều này giúp cho các nhà sản xuất giảm được chi phí năng lượng, giá vận chuyển hàng hóa đáng kể từ đó hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Ở tầm vĩ mô, giá dầu giảm sẽ giúp dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang các ngành sử dụng năng lượng, các ngành công nghiệp nặng với chi phí sản xuất thấp mà lợi nhuận cao.
Đồng thời giá dầu thấp cũng giúp chính phủ các nước này thúc đẩy cải cách hành chính, luật pháp để nâng cao tính minh bạch và tính liên tục cho các nhà đầu tư nước ngoài - một tiền đề rất quan trọng đối với hội nhập kinh tế khu vực.
Còn với Thái Lan, đây là nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất ở Đông Nam Á nên được hưởng lợi nhiều nhất nhờ giá dầu rẻ. Dù khối lượng nhập khẩu dầu thô tăng 5,5% trong năm 2015 nhưng giá trị nhập khẩu lại giảm được 15%.Trợ cấp giá nhiên liệu cho các hộ nghèo giảm mạnh trong khi thu nhập từ ngành dầu khí chiếm đến 3,5% ngân sách nhà nước. Kể từ tháng 9/2009, lần đầu tiên trong tháng 1/2015 lạm phát ở Thái Lan đã có giá trị âm, GDP tăng được 0,5%. Năm ngoái, Thái Lan đã phải chi 10% tổng GDP cho việc nhập khẩu dầu thì trong năm nay con số này sẽ giảm đáng kể.
Indonesia là nhà sản xuất và nhà tiêu thụ lớn nhất khu vực khi có tới 70% dân số sử dụng dầu, khí đốt tự nhiên. Nhờ giá dầu rẻ, Indonesia không còn là nước xuất khẩu dầu ròng, đã tiết kiệm được 8 tỷ USD tiền nhập khẩu xăng và giảm được 1/3 số tiền trợ cấp nhiên liệu cho người dân theo chính sách năng lượng nội địa. GDP của nước này đã tăng lên 1,1% so với năm 2015 và dự báo tăng 1,5-2% trong năm 2016.
Lạm phát năm 2015 cũng đã giảm từ 8% xuống còn 1,5%, mức thấp nhất kể từ khi giá dầu đạt mức cao kỉ lục. Năm 2015, thu nhập từ thuế dầu khí chỉ chiếm 14,4% ngân sách quốc gia. Mặc dù vậy, cả trong trường hợp nếu thu nhập của chính phủ từ nguồn dầu khí năm 2016 giảm đi một nửa thì việc giảm và loại bỏ trợ giá năng lượng vẫn giúp cho nước này có tiền để tăng chi phí cho các dịch vụ xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tại Philippines, mỗi ngày chỉ sản xuất được gần 20.000 thùng dầu nhưng lại phải nhập khẩu hơn 300.000 thùng dầu và dầu tinh chế sản phẩm. Giá dầu giảm sẽ giúp cho nền kinh tế này “tiết kiệm” được một số tiền không nhỏ, nhất là từ khi Philippines duy trì chế độ nhiên liệu và điện trợ giá, đồng thời giúp giảm lạm phát trong năm 2015 đến 3%, tạo cơ hội cho ngân hàng trung ương của nước này dễ dàng triển khai thực hiện chính sách tiền tệ và cho phép chính phủ gia tăng thu nhập thông qua đẩy mạnh vận tải bằng đường sắt dùng động cơ điện.
Giá dầu giảm cũng có tác động tích cực đối với các nước nhập khẩu xăng dầu hoàn toàn như: Singapore, Lào, Campuchia. Việt Nam là nước nhập khẩu dầu khí ròng nên cũng được hưởng lợi từ giá dầu rẻ, tuy không nhiều bằng các nước trên nhưng cũng giúp thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
…và những tác động tiêu cực
Đối với các quốc gia có ngành xuất khẩu dầu mỏ là chủ lực thì giá dầu giảm lại khiến sức khỏe nền kinh tế suy giảm dẫn tới những bất ổn về kinh tế, xã hội trong nước. Các chi phí cho việc khai thác, chế biến dầu thành phẩm, thuê nhân công, thuê đường ống vận chuyển và thuế khoán không những không giảm mà còn tăng cao trong khi giá dầu giảm liên tục đã dẫn tới kim ngạch xuất khẩu và lợi nhuận giảm đáng kể. Cơ cấu kinh tế bị mất cân đối, các ngành kinh tế khác cũng bị điêu đứng, đời sống của người dân cũngbị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn tới bất ổn.
Indonesia là ví dụ điển hình của những tác động trái chiều khi giá dầu thô rớt giá thảm hại. Bên cạnh việc hưởng lợi, giá dầu giảm có thể khiến các tổ chức dầu khí Indonesia phải giảm chi phí đầu tư đến 20% trong thời gian tới, riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Pertamina có thể cắt giảm vốn đầu tư đến 50% do thiếu ngân sách. Cũng do giá dầu xuống thấp nên đầu tư nước ngoài vào các đề án dầu khí biển ở Indonesia bị suy giảm đáng kể.
Malaysia và Brunei bị thiệt hại không nhỏ do hai nước này là những “ông trùm” xuất khẩu dầu mỏ của khu vực.
Là nước xuất khẩu dầu thô và sản xuất năng lượng lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á sau Indonesia, Malaysia bị đe dọa nhiều nhất bởi giá năng lượng giảm. Gần 1/3 thu nhập của chính phủ Malaysia là từ dầu khí trong đó một nửa là từ thuế và các đóng góp nghĩa vụ khác cũng như từ lợi nhuận của tập đoàn dầu khí quốc gia Petronnas.
Trong năm 2013, Malaysia xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu tinh chế chiếm 22% GDP. Sang năm 2014, doanh thu từ việc bán dầu thô ở nước ngoài chỉ tăng 8,2%, đốt tự nhiên chỉ tăng 1,9% và các sản phẩm tinh chế chỉ tăng 0,8% so với năm trước. Tháng 1/2015 Chính phủ Malaysia thông báo cắt chi 1,5 tỷ USD khi thâm hụt ngân sách tới 3,2% GDP và hạ mức tăng trưởng GDP dự báo trong năm 2015 từ 6 % xuống mức 4,5-5,5%.
Giá dầu thấp cũng đang làm “tổn thương” nền kinh tế Brunei khi xuất khẩu dầu thô chiếm 31%, khí thiên nhiên hóa lỏng chiếm 37% GDP của nước này.
Còn Myanmar sẽ giảm xuất khẩu khí dốt cho Thái Lan mặc dù vẫn muốn tăng nguồn thu qua phí quá cảnh dẫn khí đốt bằng đường ống xuất khẩu sang Trung Quốc.
Có thể thấy rằng, sự sụt giảm giá dầu thế giới sẽ có lợi cho các nước ASEAN trong các ngành giao thông vận tải, hàng tiêu dùng, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng giúp thúc đẩy sản xuất, lưu thông và giảm giá cả hàng hóa. Đồng thời là cơ hội để chính phủ điều chỉnh cơ cấu kinh tế phù hợp, phát triển sản xuất, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó các công ty dầu khí có thể tranh thủ tái cơ cấu sản xuất, tập trung vốn đầu tư vào các đề án đem lại lợi nhuận cao, thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự, cải tiến cơ chế quản lý điều hành, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến, phát minh công nghệ, mua mỏ và các loại tài sản dầu khí để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho phát triển trong tương lai.
Ngược lại, giá dầu giảm cũng làm sụt giảm doanh thu và chi tiêu chính phủ, dẫn đến gia tăng những bất ổn về chính trị, kinh tế. Đồng thời, giá năng lượng thấp kéo dài có thể ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài vào thăm dò, khai thác dầu và khí đốt ngoài khơi ở một số nơi tiềm năng trong khu vực như Philippines, Việt Nam...
Nhìn chung, trong năm 2016, những lợi ích mà giá dầu thấp mang lại cho người tiêu dùng, các nhà sản xuất và các chính phủ các nước trong khu vực ASEAN sẽ lớn hơn những rủi ro có thể gặp phải./.
Theo dangcongsan