Đồng rúp mất giá, kinh tế Nga đang 'tiến thoái lưỡng nan'
Trước tình hình này, Mỹ cho rằng chính sách kinh tế của Nga đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, theo Reuters hôm nay 17.12.
Khủng hoảng đồng rúp Nga đặt chính sách kinh tế của Moscow trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” - Ảnh minh hoạ: Reuters |
Khủng hoảng đồng rúp đặt chính sách kinh tế của Moscow trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, Reuters dẫn lời chuyên gia kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết hôm nay 17.12.
“Nếu tôi là cố vấn kinh tế của ông Putin, tôi sẽ cực kì lo lắng trước tình hình này. Đây là tình hình kinh tế nghiêm trọng mà phần lớn bắt nguồn từ chính quyết định của họ và hậu quả của việc đi ngược lại các quy tắc quốc tế”, Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của ông Obama nói.
Ông Furman cũng không quên nói rằng, Mỹ sẽ hành động rất hạn chế trước tình hình khủng hoảng đồng rúp Nga, bởi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào Nga chỉ chiếm 1/10 của 1/100 tổng sản phẩm quốc nội Mỹ.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cùng quan chức và lãnh đạo Ngân hàng trung ương trong cuộc gặp hôm qua 16.12 - Ảnh: Reuters
|
Trong ngày 16.12, giá trị đồng rúp vừa gạch bỏ mức giảm 10% so với USD của ngày 15.12 bằng mức giảm mới đến 11% so với USD. Một lần nữa, đây lại là mức giảm trong ngày cao kỉ lục kể từ năm 1998.
Cụ thể, có thời điểm trong chiều tối qua 16.12 (giờ Việt Nam), 78.4 rúp mới đổi được 1 USD, theo Bloomberg. Đến rạng sáng nay 17.12, đồng rúp đã quay đầu phục hồi trở lại nhưng tính đến thời điểm này, giá trị đồng rúp có lúc đã giảm hơn 50% kể từ đầu năm nay.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua 16.12 cũng tổ chức một cuộc họp khẩn với lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga và các quan chức chính quyền tại Gorki để bàn về tình hình kinh tế tài chính của nước này khi trị giá đồng rúp liên tiếp giảm.
Có thời điểm trong hôm qua 16.12 (giờ Việt Nam) 78.4 rúp mới đổi được 1 USD, theo Bloomberg - Ảnh: Reuters
|
Trước đó, sau khi đồng rúp trượt giá 10% trong ngày 15.12 (giờ Việt Nam), Ngân hàng Trung ương Nga đã ngay lập tức tăng lãi suất cơ bản lên đến 17%.
Quyết định này của Ngân hàng Trung ương Nga được đánh giá là kịp thời nhằm cứu vãn trị giá đồng tiền Nga đang đà giảm và hạn chế nguy cơ lạm phát tăng cao. Tuy nhiên các hoạt động đầu tư tại Nga sẽ tiếp tục giảm và nền kinh tế sẽ càng thêm trì trệ nếu Nga cứ duy trì ở mức lãi suất mới này.
Tháng 12 năm ngoái, 1 USD vẫn còn đổi được khoảng 33 rúp. Đồng rúp liên tiếp mất giá phần lớn là do giá dầu trượt sâu, tiếp theo là các lệnh trừng phạt từ phương Tây và Mỹ.
OPEC quyết tâm không giảm nguồn cung để giữ thị phần, cho dù điều này ảnh hưởng xấu tới giá dầu thế giới, theo Reuters.
|
Trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn diễn tiến rất kém lạc quan khi Bộ trưởng dầu mỏ Kuwait Ali al-Omair tuyên bố rạng sáng nay 17.12 rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ không tổ chức bất cứ một cuộc họp nào trước tháng 6 năm sau, theo Reuters.
Trước đó 2 ngày, ông Ali al-Omair cũng nói OPEC quyết tâm không giảm nguồn cung để giữ thị phần, cho dù điều này ảnh hưởng xấu tới giá dầu thế giới, theo Reuters.
Với động thái này của OPEC, hãng dầu mỏ Mỹ rất có thể chỉ giữ hoặc tiếp tục tăng sản lượng để cân bằng trong cuộc chiến giành thị trường với OPEC.
Theo thanhnien