Động lực mới cho quan hệ Việt – Pháp
Bằng chứng cho những mô tả đó là một chuyến thăm ngắn nhưng đầy ắp hoạt động của Tổng thống Pháp đến Việt Nam và hàng loạt văn kiện hợp tác được ký kết. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác thực chất và chia sẻ tầm nhìn về những vấn đề có lợi ích sát sườn với hai nước, được thể hiện trong Tuyên bố chung đưa ra ngày 6/9.
Hợp tác kinh tế là trụ cột
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hollande lần này sẽ là xung lực quan trọng đưa quan hệ hai nước phát triển hiệu quả và thực chất hơn nữa. Hai nhà lãnh đạo khẳng định, hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột ưu tiên trong quan hệ song phương. Tổng thống Pháp đánh giá cao Việt Nam với vị trí quan trọng ở Đông Nam Á và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Khoảng 300 công ty Pháp đang làm ăn tại Việt Nam, và Tổng thống Pháp mong muốn sau chuyến thăm lần này sẽ có thêm nhiều công ty Pháp đến Việt Nam đầu tư.
Hai bên khẳng định tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển các quan hệ đối tác kinh tế và công nghiệp lâu dài giữa hai bên. Các thỏa thuận giữa các công ty hàng không Việt Nam và tập đoàn Airbus là cơ sở để phát triển hình thức đối tác này trong lĩnh vực hàng không. Tổng trị giá hợp đồng 3 hãng hàng không của Việt Nam mua 40 máy bay Airbus lên tới 6,5 tỷ USD. Hai bên nhất trí thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Việt Nam hoan nghênh Pháp và Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực giúp Việt Nam triển khai EVFTA.
Đề cao thượng tôn pháp luật
Mở đầu bài phát biểu trước báo chí trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang sáng qua, Tổng thống Pháp bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. “Chúng tôi mong muốn hai Bộ Quốc phòng đối thoại thường xuyên để góp phần giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu”, Tổng thống Hollande nói.
Tuyên bố chung khẳng định, hai bên nhất trí tăng cường đối thoại chiến lược về quốc phòng và tiếp tục hợp tác về đào tạo, quân y, thủy đạc, các chuyến thăm viếng của tàu quân sự, trang thiết bị quốc phòng cũng như trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Hai bên mong muốn mở rộng hợp tác về an ninh và an toàn hàng hải, hàng không. Hai bên nhất trí nâng cao vai trò của các cơ chế tham vấn và đối thoại song phương, trong đó có Đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ngày 12/7, hai bên khẳng định tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững, đồng đều. Hai bên khẳng định tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, tôn trọng độc lập chủ quyền, thể chế chính trị của nhau. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác vì sự quản trị tốt, nhà nước pháp quyền và các quyền con người, cũng như để bảo đảm cho mọi người được hưởng đầy đủ các quyền lợi của mình, không phân biệt giới tính, nguồn gốc, tôn giáo hay khuynh hướng giới tính.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định sự gắn bó với hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trên thế giới cũng như tại châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam ủng hộ Pháp và EU đóng vai trò tích cực và xây dựng tại châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường quan hệ với ASEAN. Pháp đánh giá cao việc thành lập Cộng đồng ASEAN và tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Hai nhà lãnh đạo mạnh mẽ lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Hợp tác chống biến đổi khí hậu, dạy tiếng Pháp
Pháp cam kết tiếp tục duy trì các kênh viện trợ cho Việt Nam với tư cách là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai cho Việt Nam về tổng giá trị tài trợ từ năm 1994 đến nay. Hai bên nhất trí các lĩnh vực hợp tác phát triển thời gian tới, bao gồm ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, đào tạo, cơ sở hạ tầng đô thị và nông nghiệp bền vững. Hai bên cũng nhất trí đẩy nhanh việc triển khai những dự án ưu tiên, nhất là Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 tại Hà Nội
Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được định hướng phát triển thành một trường đại học mang đẳng cấp quốc tế. Hai nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục phối hợp trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, đặc biệt là các lớp song ngữ. Hai bên cam kết phát triển việc giảng dạy tiếng Việt trong hệ thống giáo dục của Pháp và nhất trí tiếp tục thảo luận về việc thành lập các khoa tiếng Việt tại các trường học Pháp.
Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 10 diễn ra từ ngày 14 tới 16/9 tại thành phố Cần Thơ đánh dấu một sự phát triển mới của hợp tác giữa các địa phương hai nước. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký Thỏa ước tín dụng cho Dự án hỗ trợ quản lý nguồn nước và cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh và thành phố Cần Thơ, đồng thời nhất trí xem xét khả năng Pháp tham gia vào các dự án xanh ở Việt Nam về điện mặt trời, năng lượng tái tạo, cải thiện hệ sinh thái, quy hoạch tổng hợp đa ngành thân thiện với môi trường, xây dựng đô thị thông minh.
Chiều 6/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Pháp Francois Hollande, khẳng định rằng, Việt Nam và Pháp vốn đã có hiểu biết sâu sắc về nhau, đang nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược. Cũng trong chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Francois Hollande. Trước đó, vào buổi sáng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Francois Hollande. Hôm qua, ông Hollande có bài phát biểu trước các sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội trước khi bay vào TPHCM.
Sau cuộc hội đàm sáng qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande chứng kiến lễ ký kết 16 văn kiện hợp tác, gồm: Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Pháp; Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Pháp; Thỏa thuận hành chính giữa Bộ Nội vụ Việt Nam với Tổng cục Hành chính và Công vụ - Bộ Công vụ Pháp; Thỏa thuận hành chính về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật; Tuyên bố về hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp giữa Việt Nam và Pháp; Thỏa thuận hợp tác đào tạo giai đoạn 2016-2017 giữa Học viện Hành chính quốc gia Việt Nam và Trung tâm Đào tạo cấp cao Bộ Nội vụ Pháp; Tuyên bố Ý định hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Giáo dục, Đào tạo và Nghiên cứu Pháp; Thỏa thuận hành chính về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Bộ NN&PTNN Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Công nghệ chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Pháp; Bản ghi nhớ hợp tác về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Pháp; Thỏa ước tín dụng cho Dự án hỗ trợ quản lý nguồn nước và cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Ninh Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ; Bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam và Tập đoàn Vinci Concessions; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn FPT và Công ty Telespazio; Ý định thư về hợp tác quản lý không lưu giữa Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam và Airbus; Thỏa thuận mua 10 máy bay Airbus 350 của Vietnam Airlines; Hợp đồng mua 10 máy bay Airbus A320 của Jetstar Pacific; Hợp đồng mua 20 máy bay Airbus A321-Neo của Vietjet.
Chiều 6/9 tại Hà Nội bà Martine Pinville, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại, nghề thủ công, tiêu dùng và kinh tế đoàn kết xã hội, và bà Muriel Pénicaud, Đại sứ đặc trách đầu tư quốc tế, Tổng giám đốc Business France, Cơ quan hỗ trợ phát triển thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp Pháp đã giới thiệu chương trình “Créative France”-“Nước Pháp sáng tạo”.
Chương trình quảng bá hình ảnh cho sự phát triển kinh tế của nước Pháp được Tổng thống Pháp công bố tại Hội đồng chiến lược xây dựng hình ảnh kinh tế quốc gia ngày 16/6/2015.
Đối với Việt Nam, các nhân vật nổi bật được lựa chọn tham gia chương trình là nhà toán học Pháp-Việt Ngô Bảo Châu, người đã đạt giải thưởng Fields và hình ảnh chú gà trống đội nón lá Việt Nam, biểu tượng của French Tech Viet, trang Facebook với thành viên là các doanh nghiệp trẻ của Pháp trong lĩnh vực công nghệ số, và máy bay A350 XWB, sản phẩm mới nhất trong dòng máy bay hiện đại nhất của ngành hàng không Pháp và cũng là sản phẩm kết nối hai nước Pháp và Việt Nam.
Thăm phố cổ, ngỡ ở Paris
Chiều qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande đi thăm phố cổ Hà Nội cùng 9 cựu sinh viên học ở Pháp, trong đó có GS Ngô Bảo Châu. Ông Hollande có cuộc trò chuyện ngắn với các cựu sinh viên trong quán cà phê Cộng trên phố Mã Mây. Người đứng đầu chính phủ Pháp nói rằng, Hà Nội hiện có nhiều địa điểm văn hóa với nét chung Việt-Pháp rất thú vị. Phố phường Hà Nội có nhiều nét giống Pháp và ông cảm tưởng như đang ngồi trong một quán cà phê trên đường phố Paris. Tổng thống Pháp bày tỏ mong muốn những bản sắc này sẽ được gìn giữ.
Theo tienphong