Cộng đồng ASEAN: Việt Nam đứng trước thuận lợi và thách thức gì?
|
Giới trẻ ASEAN cần chẩun bị sẵn sàng cho một môi trường mới - Ảnh: Reuters |
Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN vừa qua được coi là bước đi lịch sử thứ hai đối với khu vực Đông Nam Á trong việc tiến tới một khu vực đoàn kết.
Bước đi lịch sử đầu tiên được đánh dấu vào năm 1967 khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được hình thành với tuyên bố Bangkok.
Giờ đây, ASEAN đang trên con đường tiến tới một cộng đồng chung hoàn thiện với 3 trụ cột chính là kinh tế, chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội.
Tuy nhiên, để kéo hơn 625 triệu dân Đông Nam Á thuộc các nền kinh tế khác nhau, chủng tộc và hệ thống luật pháp khác nhau xích lại gần nhau còn nhiều việc phải làm.
Trụ cột chính hiện nay là kinh tế, được cho là sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân ASEAN. Ví dụ như việc phê chuẩn các thỏa thuận về bầu trời mở sẽ đưa ngành hàng không màu mỡ vào kế hoạch kinh tế mở rộng của cộng đồng.
Hay như việc bãi bỏ phí chuyển vùng điện thoại di động trong nội ASEAN sẽ giúp củng cố sự tin cậy giữa những người tiêu dùng. Người dân khu vực sẽ phải sẵn sàng trong việc nhận thức những lợi ích từ một môi trường kinh doanh minh bạch.
Thêm vào đó, từ một tổ chức bản chất mang tính ngoại giao, ASEAN cần khuyến khích một sự nhận thức tự nhiên về sự tương đồng giữa người dân bằng việc hội nhập kinh tế, giao tiếp và các mối quan hệ khác.
Giới quan sát cũng cho rằng trên phương diện địa chính trị, sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ đem lại các cơ hội kinh tế nhưng cũng đem lại nhiều thách thức lớn.
Indonesia sẵn sàng cạnh tranh
Rõ ràng, khi cộng đồng chung thành lập, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Trong bối cảnh đó, các nước nhìn nhận điều này như thế nào?
Mới đây Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các lãnh đạo doanh nghiệp và người dân không nên sợ hãi khi hội nhập vào Cộng đồng kinh tế chung ASEAN trong năm sau.
Theo báo The Jakarta Post, ông Widodo kêu gọi tất cả các thành phần xã hội trước tiên hãy xác định rõ điểm yếu của mình ở đâu để chuẩn bị sẵn sàng cho một thời kỳ mới.
“Thương trường như chiến trường. Để chiến thắng, chúng ta phải chuẩn bị đạn dược trước. Trước mắt, chúng ta phải xác định được thế mạnh và điểm yếu thông qua các chỉ số kinh tế. Đó là những con số mà tôi nghĩ rằng Indonesia tốt hơn nhiều nước khác. Năm ngoái, lạm phát của chúng ta là 8,2%. Năm nay, dự báo chỉ số này vào khoảng 3,5 đến 3,8%” - ông Widodo nói.
Indonesia cũng đã có những sự chuẩn bị. Ông Widodo cho hay chính phủ Indonesia tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, đường sắt và cả cơ sở hạ tầng cho hàng hải. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện kết nối giữa các hòn đảo của Indonesia.
“Những nỗ lực này là cần thiết để giảm chi phí hậu cần. Nếu không, chi phí vẫn sẽ cứ cao như hiện nay” - ông nói và nhấn mạnh Indonesia cần bắt đầu xuất khẩu thành phẩm. “Chúng ta không thể cứ mãi xuất khẩu ca cao thô, dầu cọ thô” - ông nói. Trước ngưỡng cửa một cộng đồng chung, ông nhấn mạnh: “Đừng sợ cạnh tranh”.
Thái Lan chuẩn bị từ lâu
Trong khi Indonesia nói đã hoàn tất 94,1% các bước để chuẩn bị hội nhập cộng đồng chung, Philippines cũng cho biết họ đã sẵn sàng.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino gần đây cho hay nước này đã sẵn sàng cho việc hội nhập toàn diện với cộng đồng chung ASEAN. Thông tin từ Bộ Ngoại giao Philippines cho hay dựa trên báo cáo của Bộ Thương mại và Công nghiệp nước này, Philippines đã hoàn tất 84% các bước để chuẩn bị cho hội nhập.
Bộ Ngoại giao Philippines cho hay hầu hết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến nông sản và lấy ví dụ nước này sẽ phải hỗ trợ ngành mía đường trước khi thuế nhập khẩu trong ngành này được bãi bỏ hoàn toàn.
Còn tại Thái Lan, tâm lý người dân đã được chuẩn bị từ lâu cho Cộng đồng ASEAN. Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Thanaphat Wichitkrailat, chuyên viên công nghệ thông tin cho một công ty nước ngoài ở Bangkok cho biết ở Thái Lan, việc tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN rất rầm rộ từ nhiều năm qua, trên nhiều phương tiện truyền thông và ngay cả trong trường học.
Anh tâm tư: “Khi Thái Lan hội nhập vào cộng đồng chung, tôi nghĩ người Thái nói chung và bản thân tôi buộc phải tự thay đổi và chấp nhận sự hợp nhất của một cộng đồng chung rộng lớn hơn. Cơ hội và thách thức đều có. Công việc mới, môi trường mới, ngôn ngữ mới,… chúng ta phải tập làm quen”.
Anh Thanaphat miêu tả Thái Lan trong thời gian gần đây như một cộng đồng chung thu nhỏ vì có rất nhiều người đến từ các nước ASEAN sống và làm việc tại nước này. Anh cũng cho biết thêm giới trẻ Thái Lan nhận thức rất tốt về cộng đồng chung.
Trong khi đó, anh Tô Hưng Hữu, một người Việt làm việc cho một công ty Thái Lan ở Bangkok trong nhiều năm qua lại có những lo ngại. Anh nói: “Dường như người Việt chúng ta ít có sự chuẩn bị cho cộng đồng chung hơn. Những người bạn xung quanh tôi đều không hề biết hoặc ít nghe về cộng đồng chung trong khi ở Thái Lan người ta tuyên truyền về vấn đề này rất nhiều”.
Mời bạn đọc bấm vào đây để đặt câu hỏi tham gia giao lưu trực tuyến "Cộng đồng ASEAN: cơ hội nào cho người Việt?" diễn ra trên Tuổi Trẻ Online lúc 9g sáng thứ năm 3-12-2015. Khách mời của chúng tôi là những chuyên gia cấp cao của Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về những vấn đề liên quan đến nội dung này. |
Theo tuoitre