Các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế
Giải quyết hòa bình các tranh chấp
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu, xu thế cải cách, đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu nền kinh tế tại nhiều quốc gia và quá trình quốc tế hóa đang tạo ra các cơ hội lớn nhằm thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực và toàn cầu, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết. Tuy nhiên, kinh tế thế giới phục hồi chậm, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các thách thức ngày càng nghiêm trọng về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai, bệnh dịch đang tác động tiêu cực, sâu rộng tới nhiều quốc gia; tình trạng bất ổn, bạo lực, xung đột, khủng bố gia tăng ở nhiều nơi và tư duy đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh quốc tế. “Tư duy đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế tiếp tục đe dọa hòa bình, an ninh trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Vì vậy, cần tăng cường vai trò của các cơ chế đa phương, nhất là Liên Hợp Quốc (LHQ) trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác và hỗ trợ các nước thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rằng, luật pháp quốc tế vẫn là yếu tố căn bản cho cấu trúc an ninh quốc tế ổn định và hệ thống đa phương mạnh mẽ. Tuy nhiên, các chuẩn mực, nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vẫn còn bị xem nhẹ. Các chính sách, biện pháp áp đặt, đơn phương, cường quyền, sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề an ninh, chính trị quốc tế đã và đang gây căng thẳng, đối đầu, cản trở các nỗ lực giải quyết tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình. “Chúng tôi đề nghị LHQ tiếp tục phát huy vai trò đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, yếu tố nền tảng cho hòa bình, an ninh quốc tế. Mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng đều phải tuân thủ luật pháp. LHQ cũng cần tăng cường hơn nữa vai trò trong ngoại giao phòng ngừa, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình như đã được quy định rõ tại Điều 33 của Hiến chương LHQ”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Mỗi quốc gia cần đặt lợi ích của mình trong lợi ích tổng thể chung của nhân loại, đặt dân tộc mình vào dòng chảy của thời đại. Chính sách nhân nghĩa, hòa hiếu sẽ giúp các dân tộc xóa bỏ hận thù, san lấp khoảng cách, kiểm soát tốt bất đồng, mở rộng cơ hội tìm giải pháp cơ bản, lâu dài cho mọi xung đột, tranh chấp giữa các nước. “Là một quốc gia đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, hơn ai hết chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình. Để làm được như vậy, mỗi quốc gia cần có tư duy dài hạn, có cách tiếp cận toàn diện để cùng tìm kiếm các giải pháp tổng thể, mang tính toàn cầu, đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác và phát triển là những nhân tố cốt yếu để xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Các nước trong khu vực đang cùng nhau thúc đẩy các sáng kiến liên kết, hợp tác chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, khu vực này lại đang tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, nhất là tại bán đảo Triều Tiên, biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực. “Về những diễn biến phức tạp gần đây ở biển Đông, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam cam kết thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững; thông báo Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục để sớm phê chuẩn Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, đã quyết định ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Thúc đẩy hợp tác trên 3 trụ cột
Tại Phiên thảo luận cấp cao, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhiều phương hướng, biện pháp tăng cường hợp tác trên cả ba trụ cột hòa bình, an ninh, phát triển và quyền con người vì hòa bình, thịnh vượng trên toàn cầu và bảo vệ hành tinh, tập trung vào 3 nội dung chính.
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết triển khai thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững. Tại kỳ họp đã có 31 nước công bố phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đưa tổng số nước đã phê chuẩn thoả thuận quan trọng này lên 60. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí phối hợp hành động để ứng phó tình trạng kháng thuốc kháng sinh đe dọa cướp đi sinh mạng của 10 triệu người vào năm 2050 nếu không được khắc phục.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo bày tỏ quyết tâm tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột kéo dài, tăng cường nỗ lực chung đấu tranh chống khủng bố, xây dựng hòa bình, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột và ngăn chặn xung đột, chấm dứt các cuộc khủng hoảng nhân đạo và ứng phó hiệu quả với dòng người di cư, tị nạn. Nhiều phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, giải quyết xung đột bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Tại kỳ họp này, Đại hội đồng LHQ đã nhất trí thông qua Tuyên bố New York về tị nạn và di cư, đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề này.
Thứ ba, các nước đều nhấn mạnh cần tiếp tục cải tổ Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng, hệ thống phát triển của LHQ để tăng cường hiệu quả hoạt động của LHQ, bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, quyền tham gia bình đẳng và rộng rãi của tất cả các nước vào quá trình thảo luận, tham vấn và ra quyết sách đối với các nghị quyết, quyết định của LHQ.
Trong dịp tham dự Kỳ họp cấp cao của Đại hội đồng LHQ Khóa 71, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có các cuộc tiếp xúc với bộ trưởng ngoại giao Bulgaria, Hungary, Bỉ, Argentina, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Ý, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ý và một thứ trưởng ngoại giao Mỹ để thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn của LHQ cũng như quan hệ song phương. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng có cuộc tọa đàm với lãnh đạo hơn 25 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn tại Việt Nam.
Ngày 24/9, tại New York, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Ý Pier Ferdinando Casini và Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Ý Fabrizio Cicchitto. Phía Ý ủng hộ việc cần duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển.
Ngày 24/9 tại New York, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị không chính thức của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN. Hội nghị tập trung bàn biện pháp triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN; đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, phối hợp lập trường ASEAN về các vấn đề tại LHQ, trong đó có việc xem xét ứng cử viên của các nước ASEAN vào các cơ quan của LHQ và các tổ chức quốc tế khác.
Theo tienphong