Biển Đông trong quan hệ Mỹ, Anh, Trung Quốc
Mỹ và Anh, những đồng minh thân cận ở hai bên bờ Đại Tây Dương, đang bộc lộ những bất đồng xung quanh chính sách và cách tiếp cận trong mối quan hệ với Trung Quốc, quốc gia đang trỗi dậy mạnh mẽ ở châu Á. Trong khi Mỹ có rất nhiều vấn đề để phải lời qua tiếng lại với Trung Quốc, bao gồm cả vấn đề an ninh mạng và Biển Đông; thì Anh dường như chỉ tập trung vào quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc.
Mỹ quan tâm Biển Đông, Anh không màng
Biển Đông vốn không phải là nơi Anh hay Mỹ có tranh chấp, nhưng Mỹ luôn coi Biển Đông là khu vực ảnh hưởng tới lợi ích hàng hải của mình. Khi Mỹ luôn nhấn mạnh chiến lược xoay trục sang châu Á thì Biển Đông chắc chắn là một trong những khu vực mà cường quốc này quan tâm.
Hơn thế, với vi trí là một cường quốc toàn cầu, Mỹ không muốn tuột mất ảnh hưởng của mình ở châu Á – Thái Bình Dương, trong khi đó Trung Quốc lại đang nổi lên với tham vọng chi phối, vươn tầm ảnh hưởng khắp khu vực, đặc biệt tại Biển Đông.
Sự quan tâm của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông trong quan hệ với Trung Quốc thể hiện rất rõ trong những tuyên bố cũng như bước đi của giới chức nước này. Từ Tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng John Kerry đến Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cũng đều đã lên tiếng chỉ trích về hành động hung hăng cùng yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Không chỉ vậy, Mỹ còn tiến hành các hành động nhằm cụ thể hóa sự quan tâm lớn của mình ở Biển Đông như tập trận, dự kiến triển khai tàu chiến tuần tra vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong khi đó, quan điểm của Anh về chính sách trong quan hệ với Trung Quốc không giống Mỹ. Financial Times ngày 20.10 dẫn lời ông Tom Wright, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings (Mỹ), nhận định rằng hợp tác thương mại và kinh tế là yếu tố duy nhất định hướng chính sách của Anh đối với Trung Quốc.
Theo Forbes ngày 21.10, chính sách ngoại giao của Anh từ trong lịch sử đã chỉ chú trọng vào những vùng lợi ích của mình, và thường quốc gia này sẽ không tranh đấu hay thúc đẩy chương trình nghị sự nào có ít hoặc không liên quan tới lợi ích quốc gia của Anh. Và hiện nay, trong mối quan hệ với Trung Quốc, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là yếu tố tác động rõ ràng nhất tới lợi ích của Anh, còn vấn đề Biển Đông không nằm trong những vấn đề trung tâm ấy.
Những cảnh báo từ chuyên gia Mỹ
Trước những chính sách của Anh, mà cụ thể là việc Anh chú trọng thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc, ca ngợi mối quan hệ với Trung Quốc "đang bước vào kỷ nguyên vàng" nhân chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến London, nhiều chuyên gia Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Anh.
Ông Evan Medeiros, cựu cố vấn hàng đầu về châu Á của Tổng thống Barack Obama, nhận định Anh có vẻ đang mắc sai lầm trong cách tiếp cận Trung Quốc. Ông Evan Medeiros cho rằng: "Nếu bạn chấp nhận nhượng bộ trước sức ép của Trung Quốc, thì bạn sẽ tiếp tục phải chịu sức ép từ phía họ. London đang chơi trò chơi nguy hiểm là thỏa hiệp chiến thuật với Bắc Kinh để đổi lấy những lợi ích kinh tế, một bước đi có thể dẫn đến nhiều rắc rối về sau”, theo Financial Times.
Ông Chris Johnson, cựu chuyên gia phân tích Trung Quốc thuộc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho rằng Anh cần phải cảnh giác với vốn đầu tư của Trung Quốc. Theo ông Johnson, các công ty Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách "lấy nông thôn bao vây thành thị" để xâm nhập vào những lĩnh vực then chốt.
Trong khi đó, ông Patrick Cronin, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cảnh báo rằng Anh cần cân bằng giữa lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia khi Trung Quốc nhắm đến các mục tiêu trong các ngành như năng lượng, viễn thông, tài chính.
Rõ ràng, khi Trung Quốc trở thành nhân tố chen giữa mối quan hệ Anh – Mỹ, hai nước đồng minh này bộc lộ cách tiếp cận và những chính sách khác nhau. Mối quan hệ này đã có phần gặp khó sau khi Anh quyết định gia nhập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), một sáng kiến của Trung Quốc mà Mỹ nhiều lần cảnh báo hồi đầu năm nay.
Theo thanhnien