Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 15/06/2015

Biển Đông dậy sóng tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc

Trung Quốc xây đại công trình phi pháp ở đá Gạc Ma thuộc Trường Sa - Ảnh: Mai Thanh HảiTrung Quốc xây đại công trình phi pháp ở đá Gạc Ma thuộc Trường Sa - Ảnh: Mai Thanh Hải
Từ ngày 8 - 12.6 (giờ địa phương) tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, Mỹ diễn ra Hội nghị lần thứ 25 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) với sự tham dự của 136/167 quốc gia thành viên cùng các nước quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế.
Đúng như dự báo trước đó, tình hình an ninh tại Biển Đông là một nội dung trọng tâm của hội nghị khi cả khu vực và một số đối tác bên ngoài đều đang hết sức quan tâm, lo ngại, đặc biệt là các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc kiêm trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, nêu rõ Việt Nam quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông hiện nay, đặc biệt là các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn trái phép làm thay đổi tính chất tự nhiên của một số cấu trúc, phá hủy môi trường và hệ sinh thái biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, gây lo ngại lớn trong ASEAN và nhiều quốc gia khác, theo TTXVN.
Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh cần chấm dứt ngay các hành động làm thay đổi nguyên trạng, phá hoại môi trường biển và làm phức tạp thêm các tranh chấp ở Biển Đông. Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định lập trường của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Quan ngại toàn cầu
Cũng tại hội nghị, Đại điện thường trực Philippines tại Liên Hiệp Quốc, Lourdes Yparraguirre khẳng định tranh chấp xuất phát từ “chính sách bành trướng” của Trung Quốc ở Biển Đông là nguyên nhân cho mối quan ngại toàn cầu. Đài GMA News dẫn lời bà Yparraguirre chỉ ra những động thái hung hăng của Trung Quốc bắt đầu leo thang vào năm 2012 khi Bắc Kinh không tuân theo thỏa thuận cùng rút tàu hải quân khỏi bãi cạn Scarborough. Từ đó, Trung Quốc “chiếm hữu bãi cạn, dựng rào chắn tại lối vào để chặn ngư dân Philippines vào ngư trường truyền thống của họ”, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines.
Bà Yparraguirre còn chỉ trích Trung Quốc vi phạm không chỉ UNCLOS mà cả DOC, Công ước về đa dạng sinh học và Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Theo bà, các hoạt động xây đắp phi pháp của Trung Quốc đã “nạo vét và phá nát toàn bộ hệ thống san hô”, phá hoại sinh thái biển và sự đa dạng sinh học của khu vực. Bà Yparraguirre dẫn dữ liệu từ các chuyên gia cho hay tình trạng Trung Quốc phá hủy các hệ thống san hô ở Biển Đông để san lấp, bồi đắp đảo nhân tạo dẫn đến tổn thất kinh tế ước tính 281 triệu USD/năm còn hậu quả với môi trường là “không thể tính được”.
Đáp lại, Phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Vương Dân ngụy biện rằng hoạt động xây đắp nói trên “nằm hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền” của Trung Quốc, theo Hãng tin Sputnik. Ông Vương còn lớn tiếng: “Hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS không phải là nơi để bàn về vấn đề Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông - NV)”.
ASEAN “phải hành động”
Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông, ngày 13.6, tờ Bangkok Post của Thái Lan, nước không trực tiếp tham gia tranh chấp, đăng bài xã luận kêu gọi ASEAN phải mau chóng có hành động chung về vấn đề này. Bài xã luận viết: “Lâu nay ASEAN đóng vai trò có phần thụ động trong việc xử lý tranh chấp Biển Đông nhưng hàng loạt sự cố làm gia tăng quan ngại có thể thúc đẩy khối này có thái độ quyết đoán hơn để duy trì hòa bình khu vực”.
Theo Bangkok Post, đã đến lúc ASEAN “củng cố lập trường chung và cần có giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng”, trước mắt là gây sức ép với Trung Quốc nhanh chóng hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). “Đây là thời điểm để ASEAN cho thấy khối này có khả năng hình thành một lập trường thống nhất và đóng vai trò có ý nghĩa trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực”, Bangkok Post khẳng định.
Người Việt ở Đức biểu tình phản đối Trung Quốc
Ngày 14.6, cộng đồng người Việt ở Đức cùng nhiều bạn bè quốc tế, trong đó có cộng đồng người Philippines, biểu tình tại thủ đô Berlin để phản đối hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đoàn người cầm cờ Việt Nam, cờ Đức, cờ Philippines... mang các biểu ngữ bằng tiếng Việt lẫn tiếng Đức như: “Phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo Việt Nam”, “Bảo vệ hòa bình cho Biển Đông”...
Đoàn người tuần hành đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Berlin để biểu tình trước cổng sứ quán, theo Thoibao.de, cổng thông tin phục vụ cộng đồng người Việt ở châu Âu. Đại diện người biểu tình đọc kháng thư gửi Đại sứ quán Trung Quốc và đại diện những người nhập cư châu Âu tại Đức kêu gọi hòa bình cho Biển Đông.
Trước đó, cũng tại Berlin, đoàn đại biểu Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức ngày 12.6 đã trao thư ngỏ, kiến nghị về vấn đề Biển Đông với gần 4.000 chữ ký cho đại diện quốc hội Đức, theo Thoibao.de. Thư kiến nghị kêu gọi các nghị sĩ Đức lên tiếng phản đối những việc làm sai trái vi phạm luật pháp quốc tế, phá hoại môi trường sinh thái của Trung Quốc tại Biển Đông, gây nguy cơ bất ổn nghiêm trọng cho hòa bình ở khu vực nói riêng và cả thế giới nói chung.

Theo thanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready