Báo Nga lý giải vì sao Moscow ‘hâm nóng’ quan hệ với Việt Nam
Vì sao Nga xem trọng Việt Nam?
RBTH cho biết thực tế là từ rất trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược xoay trục về châu Á, Nga đã tập trung về hướng đông, thông qua việc dọn đường tiến vào các quốc gia từng một thời thân Mỹ trong khu vực như Indonesia và Malaysia.
Tuy nhiên, Việt Nam mới chính là nơi Moscow tập trung đường lối ngoại giao, theo RBTH.
Việt Nam là một quốc gia nhỏ, nhưng có một sức mạnh to lớn, RBTH khen ngợi khi từng thắng vang dội trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Dũng cảm lạ thường, chiến thuật chiến đấu khéo léo và tinh thần bất khuất là những yếu tố quyết định cho những chiến thắng kể trên, nhưng cũng phải nhắc đến một yếu tố then chốt, đó là Việt Nam có những người bạn rất mạnh, RBTH cho hay.
Trong thời Chiến tranh Việt Nam, Liên Xô đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam khi viện trợ một số lượng vũ khí khổng lồ. Trong khoảng thời gian 21 năm suốt thời kỳ chiến tranh, viện trợ của Liên Xô có trị giá đến 2 triệu USD/ngày.
Sau năm 1975, Việt Nam cho Liên Xô sử dụng quân cảng Cam Ranh. Theo thỏa thuận đạt được giữa 2 bên lúc bấy giờ, Liên Xô đã đồn trú chiến đấu cơ MiG-23, máy bay ném bom tầm xa Tu-95 và máy bay trinh sát biển Tu-142 tại Cam Ranh.
Cam Ranh đã từng là căn cứ hải quân ngoài châu Âu lớn nhất của Moscow. Khoảng 20 tàu quân sự Liên Xô neo đậu hàng ngày tại căn cứ này, cùng 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo số liệu của RBTH.
Trong thời Chiến tranh lạnh, căn cứ Cam Ranh khi đó đã giúp Liên Xô đối đầu ngang ngửa với lực lượng Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trước đó, khi Hạm đội 7 của Mỹ đưa tàu đến Vịnh Bengal để gây áp lực lên Ấn Độ trong giai đoạn xảy ra Chiến tranh Pakistan hồi năm 1971, Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đã kịp thời điều tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân và chiến hạm đến để bảo vệ Ấn Độ.
Mặc dù Cam Ranh có vai trò quan trọng đối với Liên Xô về mặt địa chính trị và giúp tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo, nhưng sự hiện diện của Liên Xô tại đây đã giảm mạnh và mất hẳn sau khi Liên bang Xô Viết tan rã.
Việt Nam, khách hàng lớn của ngành sản xuất vũ khí Nga
RBTH cho biết mặc dù Nga không còn hiện diện quân sự tại Việt Nam, nhưng hai nước vẫn duy trì mối quan hệ bền chặt.
Để tăng cường sức mạnh quốc phòng, Việt Nam đã mua 24 chiến đấu cơ Su-30 của Nga, và đến cuối năm 2015, Không quân Việt Nam sẽ có tổng cộng 36 máy bay Su-30.
Tuy nhiên, Hải quân Việt Nam mới là lực lượng được tăng cường sức chiến đấu hơn cả, RBTH bình luận. Hồi năm 2009, Việt Nam đã ký kết mua 6 tàu ngầm lớp Kilo trị giá 3,2 tỉ USD với Nga. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã mua 50 tên lửa hành trình siêu thanh Klub để trang bị cho hạm đội tàu ngầm Kilo. Thương vụ này giúp Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sở hữu tàu ngầm trang bị loại tên lửa hành trình có khả năng tấn công cả trên bộ, RBTH nhận định.
RBTH còn dẫn lời một chuyên gia quân sự cho biết tên lửa hành trình tấn công đất liền Klub đánh dấu một thay đổi cực lớn theo hướng tích cực cho sức mạnh của hải quân Việt Nam.
Hồi năm 2011, Hải quân Việt Nam cũng đã mua 2 hộ tống hạm tàng hình mang tên lửa lớp Gepard 3.9 của Nga với giá 300 triệu USD, và dự kiến số tàu này sẽ tăng lên 6 chiếc vào năm 2017.
Ngoài ra, Việt Nam còn mua nhiều khí tài khác từ Nga để trang bị cho lực lượng hải quân, như 4 tàu tuần tra cao tốc mang tên lửa chống hạm lớp Svetlyak, 12 khinh hạm và tàu hộ tống nhỏ.
Ngoài tàu chiến, Việt Nam cũng mua nhiều loại tên lửa Nga, gồm 40 tên lửa siêu thanh Yakhont cùng 400 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran, tên lửa hành trình chống hạm Kh-59MK, tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 (AA-11 Archer), 200 tên lửa đất đối không SA-19 Grison, 2 hệ thống tên lửa phòng không S-300, radar thụ động chống máy bay tàng hình VERA và 2 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion.
Lợi ích từ góc độ kinh tế
RBTH cho biết trong khi quốc phòng thu hút được sự quan tâm của báo chí, thì năng lượng là một lĩnh vực rất quan trọng trong mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam.
Liên doanh Vietsovpetro đã đem về nhiều khoản lợi nhuận lớn cho cả 2 quốc gia. Liên doanh này đã sản xuất hơn 185 triệu tấn dầu thô và hơn 21 tỉ m3 khí đốt từ các giếng dầu ở Biển Đông. Gần 80% lượng dầu và khí đốt của Việt Nam đến từ Vietsovpetro, và nguồn thu từ liên doanh này chiếm đến khoảng 25% GDP, RBTH thống kê.
Nga đã đầu tư đáng kể vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, gồm ngành công nghiệp nặng lẫn nhẹ, giao thông và ngư nghiệp. Do quá ấn tượng với lợi nhuận mà các công ty Nga kiếm được từ các dự án đầu tư vào Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Mobil, BP và Total đã nối bước thâm nhập vào thị trường Việt Nam, theo RBTH.
Theo thanhnien