APEC cần chống chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức
Ngày 20/11 (giờ Peru), Hội nghị cấp cao lần thứ 24 của APEC tiếp tục với hai phiên họp toàn thể và bế mạc cùng ngày.
Nhất trí thúc đẩy tự do hóa thương mại
Phát biểu mở đầu phiên họp toàn thể thứ nhất với chủ đề: “Các thách thức đối với tự do hóa thương mại và đầu tư trong bối cảnh toàn cầu hiện nay”, Tổng thống Peru Pablo Kuczynski nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong bối cảnh xu hướng bảo hộ gia tăng, hệ thống thương mại đa phương tiếp tục khó khăn.
Các lãnh đạo APEC đánh giá, thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt nhiều thách thức ngày càng tăng về kinh tế, chính trị và an ninh, phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục chậm hơn dự báo. Thương mại khu vực và toàn cầu tăng trưởng chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Hội nghị nhất trí cần củng cố hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy tự do hoá thương mại và đầu tư, cải cách cơ cấu, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy các chuỗi giá trị và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, APEC cần tiếp tục góp phần củng cố hệ thống thương mại đa phương, nhất là sớm triển khai Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới, cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói rằng, APEC cần nắm bắt những xu thế mới, tích cực khởi xướng, điều phối thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế trên mọi tầng nấc, trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực và hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương và cần bảo đảm tính toàn diện, cân bằng và bổ trợ giữa các tầng nấc liên kết.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, với nỗ lực xây dựng nhà nước kiến tạo, Việt Nam sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch hành động về cải cách cơ cấu để giảm các rào cản sau biên giới, tạo môi trường kinh doanh và điều kiện thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực...
Cam kết chống biến đổi khí hậu
Chiều 20/11, tại phiên họp toàn thể thứ hai với chủ đề “An ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận nguồn nước” và “Liên kết châu Á - Thái Bình Dương: Hướng tới kết nối hiệu quả và thiết thực”, các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường phối hợp trong ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời thúc đẩy kết nối hạ tầng, kết nối số, kết nối thể chế và con người nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và đầu tư cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, biến đổi khí hậu cùng với thiên tai và sự khan hiếm nguồn nước không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, phát triển bền vững mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực trong khu vực. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, một trong những vựa lúa quan trọng của thế giới, đang chịu tác động của nạn hạn hán và xâm ngập mặn nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống và sản xuất của hàng chục triệu người dân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu các đề xuất cụ thể về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững, bao trùm…
Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 hôm qua bế mạc và thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC với hai văn kiện kèm theo, gồm “Tuyên bố Lima về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương” và “Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ”. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì vai trò tiên phong của APEC trong tự do hoá thương mại và đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo tienphong