Xét tuyển ĐH đợt 1: Khó xác định điểm chuẩn
Nguồn tuyển đã “cạn”
Năm nay, không cho phép rút ra, nộp vào trong suốt các đợt xét tuyển nên thí sinh rất thận trọng. Năm 2015, khi trường top trên công bố nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn, rất nhiều thí sinh “ôm mộng ăn may” nên nộp vào, sau đó phải rút ra đi nộp trường khác. Nhưng năm nay, thực trạng này không còn tiếp diễn.
Phân tích về mức điểm thí sinh nộp về trường, ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho biết hồ sơ chuyển về trường đều ở mức từ 20 điểm trở lên. Hiện Học viện Ngân hàng đã nhận được trên 3.000 hồ sơ xét tuyển vào ĐH theo đường bưu điện và nộp trực tiếp, chưa kể số hồ sơ đăng ký trực tuyến. Theo ông Dũng, so với chỉ tiêu của trường cơ bản đã đủ.
ĐH Thương mại cũng đã nhận được trên 10.000 hồ sơ trong khi chỉ tiêu vào trường là 3.800. ĐH Ngoại thương đã nhận được gần 5.000 hồ sơ của cả hai cơ sở bằng hình thức nộp trực tiếp và qua đường bưu điện, trong khi chỉ tiêu của trường năm nay là 3.700 cho cả 3 cơ sở.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết số lượng hồ sơ nộp về trường là gần 12.000 hồ sơ. Ngoài ra, theo ông Điền, nếu tính chung cả nhóm GX, hiện nay đã có trên 64.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi tổng số chỉ tiêu của 12 trường trong nhóm chỉ hơn 40.000.
“Theo thống kê của Bộ GD&ĐT đến nay chỉ còn khoảng 40.000 thí sinh chưa đăng ký. Do đó, có thể nói, nguồn tuyển đã cạn” - ông Điền phân tích.
Khó đoán định điểm chuẩn
Nói về điểm chuẩn, ông Trần Mạnh Dũng cho rằng với lượng hồ sơ nộp về trường thì những ngành hot như Tài chính ngân hàng, Kế toán điểm chuẩn vẫn cao, còn những ngành khác tương tự năm trước. “Năm nay, chúng tôi khó đoán định điểm chuẩn. Vì Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được nộp hai trường nên khó có thể dự đoán điểm chuẩn chính xác. Những năm trước thi 3 chung, chỉ chấm điểm bài thi đến ngày thứ 3 là chúng tôi có thể dự báo được điểm chuẩn năm đó. Nhưng năm nay, đến giờ, chúng tôi vẫn chưa biết thế nào” – ông Dũng cho hay.
Tương tự, ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo ĐH Thủy lợi cũng khẳng định trường chưa thể dự báo điểm chuẩn như thế nào. “Với những thí sinh nộp hết nguyện vọng trong nhóm GX thì dễ “lọc”, nhưng còn bộ phận thí sinh nộp một trường trong nhóm GX, một trường ngoài nhóm thì rất khó cho trường” – ông Thạc cho hay.
Còn tại ĐH Hà Nội, ông Phạm Ngọc Thạch, Trưởng phòng đào tạo cho hay, thời gian qua, số lượng hồ sơ chuyển về trường qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tiếp cũng đều đều, chưa có gì đột biến. Trường đang trông chờ mấy ngày cuối cùng xem tình hình thế nào. “Sau khi kết thúc đợt xét tuyển, cuối tuần, Ban tuyển sinh của trường sẽ họp sau đó quyết định điểm chuẩn, sẽ thông báo theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT” – ông Thạch khẳng định.
Tại ĐH Thương mại, vì lượng hồ sơ đổ về vượt xa chỉ tiêu nên trường dự kiến sẽ tổng hợp lại số lượng hồ sơ rồi phân tổ thí sinh trúng tuyển theo điểm để tránh “ảo”. Cụ thể, với nhóm hồ sơ dưới 19 điểm, số lượng “ảo” sẽ rất ít và chỉ tính ảo là 5%; số nhóm hồ sơ có mức điểm từ 20 - 22 điểm sẽ có số lượng “ảo” cao, tính tỷ lệ “ảo” từ 20 - 30%; số nhóm hồ sơ từ 22 điểm trở lên, tỷ lệ “ảo” lại càng lớn, có thể lên tới 30 - 40% vì với mức điểm này, thí sinh có nhiều cơ hội đỗ vào những trường tốp cao hơn trường ĐH Thương mại.
Để các trường có thể xác định điểm chuẩn một cách chính xác nhất, Bộ GD&ĐT cho phép các trường được tải dữ liệu của thí sinh về để tham khảo hàng ngày. Trong đó, ngoài thông tin thí sinh đăng ký vào trường mình, các trường cũng biết thí sinh đó còn đăng ký thêm trường nào khác để nắm thông tin. Tuy nhiên, dữ liệu của thí sinh các trường tuyệt đối giữ bí mật, không công khai để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh.
Theo tienphong