Xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2016 vào trường Đại học Tây Nguyên: Chưa hết lo thí sinh ảo
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường cho biết, dù đã được Bộ GD-ĐT gia hạn thêm 2 ngày (đến ngày 21-8 thay vì 19-8) nhưng ở thời điểm kết thúc nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia để xác nhận việc nhập học của thí sinh, trường vẫn phải gọi xét tuyển bổ sung 660 chỉ tiêu ĐH và 130 chỉ tiêu CĐ. Ở đợt 1 có 3.400 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, kết quả có gần 2.700 thí sinh đỗ và nộp giấy chứng nhận xác nhận nhập học (đạt khoảng 70%). Trong đó một số ngành như: Y khoa, Sư phạm tuyển xấp xỉ chỉ tiêu; còn lại một số ngành khác, tỷ lệ nhập học thấp, có thể kể đến như: Tài chính ngân hàng, Giáo dục chính trị, Triết học, Giáo dục thể chất, Lâm sinh… dù mỗi ngành chỉ tuyển khoảng 50 chỉ tiêu.
Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển vào Trường Đại học Tây Nguyên. |
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày thứ 2 của đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, không khí tại Phòng Đào tạo - nơi thu hồ sơ xét tuyển khá vắng lặng, chỉ lác đác vài thí sinh đến nộp hồ sơ. Thí sinh Siu Y Sô Nic (huyện Cư Suê, tỉnh Gia Lai) cho biết: “3 môn thi Toán, Lý, Hóa em được 13,15 điểm nên ở đợt 1 không đủ điểm xét tuyển vào ngành yêu thích, đợt này em định nộp đơn xét tuyển vào ngành Kế toán và ngành Quản lý đất đai (đều hệ CĐ)”. Còn thí sinh H’Ling Knul (TP. Buôn Ma Thuột) cùng người nhà phân vân mãi chưa biết nộp đơn đăng ký xét tuyển vào hệ dự bị của Trường Đại học Tây Nguyên hay Trường Dự bị Đại học dân tộc Trung ương Nha Trang do kết quả thi tốt nghiệp không cao. Sau khi được một cán bộ của Phòng Đào tạo nhà trường tư vấn, với số điểm 3 môn thi Toán, Hóa, Sinh là 14,65 điểm (thấp hơn điểm sàn), em H’Ling quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào hệ đại học dự bị tại Nha Trang.
Thí sinh và phụ huynh cân nhắc nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào Trường Đại học Tây Nguyên. |
Có một nghịch lý dù thiếu chỉ tiêu, nhưng nhà trường không dám gọi vượt chỉ tiêu vì sợ vi phạm quy chế tuyển sinh. PGS, TS Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng nhà trường phân tích: “Việc Bộ GD-ĐT quy định mỗi thí sinh đăng ký 2 trường (mỗi trường 2 nguyện vọng) nhằm tạo điều kiện cho các em lựa chọn được những ngành nghề hoặc trường mà mình yêu thích, nhưng đồng nghĩa lại tăng tỷ lệ thí sinh ảo. Theo lý thuyết sẽ có 50% lượng thí sinh ảo vì các em được phép chọn 2 trường ở đợt 1 xét tuyển. Muốn tuyển đủ chỉ tiêu bắt buộc các trường phải gọi 200% TS, song không thể thực hiện được, vì nếu tất cả thí sinh được gọi đều nhập học chắc chắn sẽ vượt chỉ tiêu. Do đó các trường rất khó tính toán trong việc gọi bao nhiêu thí sinh vì không đủ cơ sở dữ liệu, buộc nhà trường phải gọi xét tuyển bổ sung đợt 2, đợt 3…”. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD-ĐT lại “mở lối thoát” cho các trường ĐH, CĐ là không hạn chế số lần gọi xét tuyển và không yêu cầu lần gọi bổ sung sau điểm chuẩn phải bằng hoặc cao hơn lần gọi trước như các mùa tuyển sinh trước. Giờ đây, nhà trường cũng chỉ biết chờ đợi thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia để xác nhận nhập học. Nhưng với quy định trong đợt xét tuyển bổ sung - mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển đến ba trường - thì tỷ lệ trúng tuyển ảo càng khó lường hơn so với đợt xét tuyển đầu tiên.
Có một thực tế, khi thực hiện tuyển sinh theo phương án đăng ký xét tuyển, có một số thí sinh ở vùng sâu vùng xa không nắm vững quy chế tuyển sinh nên sau khi nhà trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển và tên thí sinh trúng tuyển trên mạng của Bộ GD-ĐT và mạng nội bộ của trường, nhiều em vẫn không đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia (bản gốc) để xác nhận nhập học mà vẫn ở nhà chờ giấy báo trúng tuyển (như trước đây). Đối với những trường hợp này, nhà trường đã nhắc nhở các em đến đăng ký nhập học.
Theo baodaklak