Vung tròn nồi méo
Cô giáo Quách Thị Bình - giáo viên Trường tiểu học Hoang Thèn, Phong Thổ, Lai Châu - trên đường đến lớp sáng 11-8, xe máy trượt lao xuống vực, được cô Điêu Thị Tiên kéo lên - Ảnh: NGUYỄN QUỲNH
Chỉ trong nửa tháng, những trận mưa lũ liên tiếp giội xuống các vùng núi phía Bắc đã khiến cho những ngôi trường bị xóa sổ, phá hủy. Nhiều học sinh chưa thể đến trường vì mất nhà, có em mất cha mẹ.
Câu chuyện của cô Phượng đăng trên Tuổi Trẻ với những hình ảnh thầy cô giáo lội trong bùn đất để đến trường gây xúc động cho nhiều người, nhưng đó mới chỉ là một phần rất nhỏ của những khó khăn mà các thầy cô giáo, các nhà trường vùng khó khăn đang phải chống chọi.
Sẽ ít ai tưởng tượng được ở Mù Cang Chải, Yên Bái để con số học sinh bỏ học hiển thị trên giấy giảm đi chút ít không đáng kể, có những thầy giáo đã phải đi bộ hàng chục cây số, xuyên rừng, xuyên đêm để tìm học sinh hay những cô giáo phải chia nhỏ gói mì cho học sinh của mình để giữ chân các em ở lại trường.
Có những học sinh phải gần hết năm học mới chịu giao tiếp đơn giản với thầy cô giáo, chưa nói đến việc học được kiến thức, kỹ năng gì.
Giáo dục vùng khó là như thế. Và ở mỗi vùng miền như miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hay cả các đô thị phát triển như Hà Nội, TP.HCM đều có những cái khó riêng đòi hỏi một tầm nhìn xa, rộng hơn trong việc xây dựng, vận hành một chương trình mới, kèm theo đó là những chuyển động về cơ chế, chính sách trong toàn hệ thống để đảm bảo yêu cầu tối thiểu và linh hoạt triển khai với mỗi vùng miền khác nhau.
Đại diện một số sở GD-ĐT đã đặt lên bàn hội nghị những sự cong vênh giữa thực tiễn giáo dục và các quy định, chính sách cứng nhắc. Định biên được giao căn cứ vào đầu học sinh.
Ở các vùng thuận lợi, một giáo viên có thể đảm nhận lớp 40 thậm chí 50 học sinh, nhưng ở nhiều vùng sâu vùng xa, mỗi trường học có thể có đến 10-20 điểm lẻ do địa bàn chia cắt.
Mỗi giáo viên dạy học ở điểm lẻ có thể phải đứng lớp chỉ với 5-7 học sinh. Thậm chí với mô hình lớp ghép 2-3 trình độ (một giáo viên dạy cả ba đối tượng học sinh ở các lớp khác nhau), có những lớp cũng chỉ không đến 10 học sinh.
Với thực tế đó, định biên tính trên đầu học sinh sẽ khiến các địa phương vùng khó rơi vào bất cập vì thiếu giáo viên mà không có định biên để tuyển.
Các câu chuyện khác về điều kiện dạy học, chất lượng giáo viên, chuẩn đầu ra của học sinh cũng đang tồn tại khoảng cách quá xa giữa các vùng miền đòi hỏi việc vận hành một chương trình mới cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng xây dựng một chương trình cho ít nhất 15-20 năm thì cần có tầm nhìn xa để đáp ứng dần dần chứ không thể chỉ tạo một chương trình vừa vặn với điều kiện ở thời điểm hiện tại.
Điều này đúng ở khâu xây dựng chương trình nhưng không có nghĩa cứ đem một cái vung to tròn trĩnh úp lên cái nồi méo mó, để hi vọng gò cho nó vừa với nhau. Để thành công, khâu vận hành cần phải được thiết kế với một lộ trình hợp lý.
Ở mỗi chặng đường phải chỉ ra những điều kiện đi kèm, những cơ chế, chính sách cần thay đổi để phù hợp. Trong phần chung áp dụng cho cả nước phải có những phần thực hiện linh hoạt, uyển chuyển, có những cái cần tập trung đầu tư trọng điểm, cần được hỗ trợ.
Sự lo lắng của nhiều lãnh đạo các sở GD-ĐT cho việc thực hiện chương trình mới không phải điều đáng buồn mà là tín hiệu vui cho thấy thực tâm của những người đang tham gia vận hành cỗ máy giáo dục.
Vì một cuộc đổi mới thực sự không phải trông đợi ở khẩu hiệu, ở những phong trào mang tính hình thức, nặng màu thành tích mà đòi hỏi sự cẩn trọng, nghiêm túc để tìm ra giải pháp hữu hiệu.
Theo tuoitre