Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 03/03/2016

Vốn vay học sinh, sinh viên: Cần có định mức sát thực tế hơn

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên nghèo

Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh cho biết, tính đến nay toàn tỉnh có 36.258 hộ vay từ nguồn vốn vay HSSV, với tổng dư nợ trên 669 tỷ đồng. Các hộ vay vốn chương trình HSSV đều sử dụng vốn đúng mục đích chu cấp cho con em mình trang trải chi phí học tập và đều có ý thức hoàn trả vốn vay. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện không ít những gia đình định hướng, nuôi dạy con ăn học thành tài, nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Gia đình ông Đặng Tiến Nghi (thôn Đông Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) là một trong những điển hình về phát huy vốn vay HSSV này. Gia đình ông Nghi là một trong những hộ nghèo nhất trong thôn, nhưng cả 3 người con đều được học hành đến nơi đến chốn. Ông Nghi cho biết, thu nhập của cả nhà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nước, nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Khi người con đầu học xong THPT, khó khăn quá, ông bà khuyên con ở nhà phụ giúp gia đình, nhưng người con hiếu học xin bố mẹ cho đi học tiếp. Khi con báo tin thi đậu vào một trường cao đẳng công nghệ thông tin tại TP. Hồ Chí Minh cũng là lúc ông bà chạy đôn chạy đáo để lo tiền nhập học cho con. Rất may, qua bình bầu của tổ tiết kiệm, vay vốn thôn Đông Sơn, gia đình ông được xét cho vay vốn HSSV của NHCSXH để lo cho con được đi học. Ông Nghi chia sẻ, khi đứa thứ nhất chưa ra trường thì đứa con thứ hai lại đến tuổi đi học chuyên nghiệp. Khó khăn chồng chất khó khăn và ông lại làm đơn xin vay cho đứa con thứ hai đi học. Để nuôi các con cùng lúc đi học đại học, ông đã tần tảo sớm hôm không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong sao có đủ tiền đóng học phí và trang trải các khoản chi phí học tập sinh hoạt cho các con. Cùng với nỗ lực của hai ông bà, nguồn vốn vay HSSV đã giúp hai người con đầu của ông Nghi học xong, ra trường và có việc làm ổn định. Hiện nay ông Nghi vẫn còn người con gái út đang học ngành Kế toán tại Trường Đại học Tây Nguyên và mọi chi phí học tập của em cũng nhờ vào nguồn vốn vay HSSV, nhưng đã đỡ khổ hơn do hai người con đầu mỗi tháng đều dành dụm tiền, chung sức cùng bố mẹ hoàn trả vốn vay cho ngân hàng và phụ giúp nuôi em ăn học, đến nay gia đình đã hoàn trả được một nửa khoản vay của cả ba người con. Ông Nghị tâm sự: “Nếu không vay được vốn ưu đãi thì gia đình tôi không biết xoay xở thế nào, giờ các cháu đã ra trường và có việc làm ổn định, tôi cũng đã trả được một phần tiền vay cho ngân hàng, tôi thấy vui và hạnh phúc lắm".

HSSV nghèo yên tâm hơn khi có đồng vốn vay ưu đãi tiếp sức.  Trong ảnh: Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk trong giờ thực hành.
HSSV nghèo yên tâm hơn khi có đồng vốn vay ưu đãi tiếp sức. Trong ảnh: Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk trong giờ thực hành.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Mặc dù mục tiêu của chương trình là “hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt” nhưng với đa số HSSV vay vốn là con em các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn lại ở các vùng nông thôn ra thành phố học thì bên cạnh học phí còn phải thêm các chi phí thuê nhà trọ, phương tiện đi lại, sinh hoạt ên cũng rất khó khăn. Do đó, việc xem xét nâng mức cho vay đối với chương trình tín dụng HSSV là cần thiết, bởi trên thực tế kể từ khi thực hiện chương trình này đến nay cũng đã qua nhiều lần điều chỉnh mức cho vay. Thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình (9-2007), mức cho vay là 800.000 đồng/tháng và sau gần 2 năm, đến ngày 26-8-2009, mức cho vay được tăng thêm 60.000 đồng/tháng lên mức 860.000 đồng/tháng/HSSV, và từ ngày 15-11-2010, Thủ tướng Chính phủ lại quyết định nâng mức cho vay tối đa đối với HSSV lên 900.000 đồng/tháng. Lần tăng mức cho vay gần đây nhất là từ ngày 1-8-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định nâng mức cho vay lên 1.100.000 đồng/tháng/HSSV. Theo NHCSXH Việt Nam, tại thời điểm ban hành Quyết định số 157, mức cho vay là 800.000 đồng/tháng/HSSV, qua khảo sát tại thời điểm đó mức chi phí cho học tập của HSSV khoảng 1.200.000 đồng/tháng, như vậy mức cho vay này chỉ đáp ứng được khoảng trên 60% nhu cầu chi phí học tập của HSSV. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát thực tế, năm học 2014 - 2015, chi phí học tập của một HSSV trong khoảng từ 3.000.000 đồng/tháng đến 3.500.000 đồng/tháng. Đặc biệt, mới đây, theo lộ trình tăng học phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí. Theo mức trần học phí được quy định tại Nghị định thì bình quân học phí có thể tăng thêm hơn 10%, trong đó có những ngành học sẽ phải chi trả mức học phí lên tới gần 45 triệu đồng/năm/sinh viên. Trước thực tế đó, NHCSXH Việt Nam có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng mức cho vay hỗ trợ sinh viên từ 1,1 triệu đồng/HSSV/tháng lên 1,5-2 triệu đồng/HSSV/tháng, song chỉ được chấp thuận tăng lên 1.350.000 đồng/HSSV/tháng. Đại diện NHCSXH tỉnh cho rằng, mức học phí mới tăng từ 3-5 lần, trong khi mức cho vay hỗ trợ tăng 250.000 đồng/HSSV/tháng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế của HSSV. Rõ ràng việc tăng mức cho vay lần này vẫn chưa thể giúp nhiều gia đình có con học đại học đỡ được gánh nặng học phí mới.

Kết quả đạt được hơn 9 năm qua cho thấy, chính sách tín dụng đối với HSSV là một chính sách có tính nhân văn, xã hội cao. Chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do vậy, nếu trong thời gian tới, định mức vay được áp dụng phù hợp với tình hình thực tế và chỉ số giá tiêu dùng sẽ tạo động lực mạnh mẽ hơn cho HSSV nghèo yên tâm học tập, tích lũy kiến thức.

Theo baodaklak

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready