Vấn nạn lạm thu đầu năm học: Hội phụ huynh bị “biến tướng”?
Chị N.T. K năm nay có con vào lớp 6 tại một trường THCS có tiếng của Hà Nội sau khi đi họp phụ huynh về thấy băn khoăn rất nhiều thứ. Con chị mới lớp 6, phụ huynh lần đầu gặp nhau, nhưng khi vào họp cô giáo chủ nhiệm đã chỉ định ban phụ huynh của lớp. Sau đó mọi người chỉ giơ tay biểu quyết. Quỹ lớp tuy chỉ 1 triệu/kỳ nhưng các khoản chi được vạch ra chủ yếu là lễ tết còn chi cho học sinh thì không mấy. Chị K. thắc mắc, nói quỹ phụ huynh là tự nguyện nhưng đổ đồng tất cả học sinh.
Thực tế, Hội phụ huynh của các lớp chủ yếu được giáo viên chủ nhiệm chỉ định, sau đó mới xin ý kiến phụ huynh. Nhiều phụ huynh còn cho biết, những phụ huynh lọt vào “mắt xanh” của giáo viên chủ nhiệm không phải ngẫu nhiên và không phải ai cũng được chọn.
Là thành viên của ban đại diện cha mẹ học sinh tại một trường tiểu học quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chị Ng.T.T cho biết năm nay trường con chị chưa tổ chức họp phụ huynh. Những năm trước, việc đóng góp quỹ phụ huynh được trường quy định không thu theo kiểu chia bình quân, do phụ huynh tự nguyện. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ năm con học lớp 1, từ năm lớp 2, chị quyết định quỹ phụ huynh phải phục vụ cho học sinh.
Còn chuyện lễ tết thầy cô chỉ chiếm phần nhỏ. “Tôi thấy may mắn nhất là giáo viên chủ nhiệm qua các năm của con đều ủng hộ chủ trương này của ban đại diện cha mẹ học sinh. Bạn bè tôi cũng có người làm trong ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp khác hoặc trường khác cho biết nhiều khi do sức ép của giáo viên chủ nhiệm muốn lấy lòng người này người kia mà phụ huynh phải chạy theo” – chị T. chia sẻ.
Trong khi đó, cũng là một thành viên trong ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, chị T.T.V, có con học ở một trường tại quận Cầu Giấy cho biết ngay trong ban đại diện cha mẹ học sinh, dù chỉ có vài người nhưng mục đích không giống nhau.
“Tôi còn nhớ, có lần nhà trường vận động quyên góp ủng hộ học sinh vùng khó, một chị trong ban đại diện phụ huynh của lớp đưa ra quan điểm đã ủng hộ thì không thể mỗi học sinh vài chục nghìn hay một, hai trăm nghìn mà phải từ năm trăm nghìn trở lên. Ngay sau đó, chị ấy rút ra ba triệu để ủng hộ. Tuy nhiên, rất may là cô giáo chủ nhiệm đã gạt ngay quan điểm này và thống nhất, ủng hộ là tùy tâm và tự nguyện” – chị V. cho hay.
Nhưng chị V. cũng khẳng định, tuy Bộ GD&ĐT không qui định mức kinh phí ủng hộ phải bình quân như nhau cho các cha mẹ học sinh, nhưng thực tế tất cả các học sinh trong lớp đều phải đóng quỹ như nhau. Và phần lớn quỹ được chi cho các hoạt động tặng quà, lễ tết các thầy cô giáo.
Ở Mỹ, quỹ phụ huynh tiểu học chỉ 20 đô la
Trong khi đó, có thời gian theo chồng công tác Mỹ vài năm, chị Lê Thị Thanh Hà (Long Biên, Hà Nội) cho biết con chị học cấp 2 và cấp 3 không có quỹ phụ huynh. Đến ngày Noel hoặc khi kết thúc năm học, các con yêu quý giáo viên nào thì tự mua quà tặng riêng hoặc chung nhóm với nhau, nhưng trường và thầy cô luôn nhắc nhở quà có tính chất lưu niệm, không nên có giá trị quá 25 đô la. Đối với tiểu học thì có góp quỹ hội phụ huynh. Mỗi năm học góp 20 đô để mua tặng mỗi cô giáo một món quà nhỏ vào Noel và một món quà vào cuối năm học.
Chị Thanh Hà cũng cho biết thêm, trong năm học phụ huynh lớp tiểu học thường tổ chức vài buổi gặp mặt bố mẹ học sinh cả lớp và mời hai cô giáo cùng đến dự để giao lưu. Cuộc gặp mặt sẽ tổ chức ở nhà một học sinh trong lớp, mỗi phụ huynh trong lớp đến góp một món ăn, kể cả cô giáo cũng thường mang đồ ăn hoặc rượu đến chung vui.
Không bao giờ họp mặt ở nhà hàng. Ở lớp, định kỳ vài tháng một lần hai cô giáo phối hợp cùng phụ huynh tổ chức một bữa sáng thân mật để phụ huynh trong lớp cùng đến giao lưu với nhau và với các con. Các con khoe thành tích học tập, trang trí lớp, tranh vẽ, đồ ăn nhẹ và trà, cà phê, hoa quả do phụ huynh tự nguyện đóng góp.
“Tóm lại, nếu con cái bạn học trường công ở Mỹ từ mầm non đến THPT không phải nộp tiền gì ngoài 20 đô la tự nguyện ở tiểu học. Mà có năm, tôi thấy có người không nộp. Thậm chí, trong năm học, cô giáo thường xuyên tặng những món quà nho nhỏ có giá trị giáo dục như bút chì, quả địa cầu để khuyến khích những bạn học giỏi hoặc có cố gắng. Cuối năm cô tặng quà lưu niệm cho từng học sinh, đều bằng tiền túi của cô” – chị Hà cho hay.
Theo tienphong