Ứng dụng cao từ những sáng chế của học sinh
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất mà người dân thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt nguồn nước dường như không bảo đảm vệ sinh môi trường, em Nguyễn Thị Thu Na và Lục Chàm Vọng ( lớp 9, Trường THCS Cao Bá Quát, huyện Ea Kar) đã trăn trở, suy nghĩ sáng tạo ra bộ “Dụng cụ lọc nước sinh hoạt đơn giản” nhằm giúp người dân, nhất là những gia đình vùng kinh tế khó khăn dễ dàng có được nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt với phương pháp đơn giản và ít tốn kém. Chỉ bằng những dụng cụ, vật liệu đơn giản, thậm chí là phế phẩm như chai nhựa, xơ mướp, xơ dừa, bông gòn, cát, sỏi, than hoạt tính làm từ gáo dừa… các em đã tạo thành dụng cụ lọc nước mà không phải tốn nhiều chi phí. Với bộ lọc nước này, người dân nông thôn có thể tự làm tại nhà và sử dụng hằng ngày khi sống ở những khu vực có nguồn nước không đảm bảo, đặc biệt là những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ; những người hay đi làm nương rẫy dài ngày ở xa nhà, không thể mang theo đủ nước sạch để sinh hoạt có thể dùng nước ao hồ, sông suối lọc qua rồi sử dụng. Không chỉ rẻ, sạch mà bộ lọc còn có thể tái sử dụng nhiều lần, tùy theo mức độ ô nhiễm của nguồn nước tự nhiên, chỉ thay thế các vật liệu như xơ mướp (sử dụng trong thời gian từ 2-3 tháng) than hoạt tính (từ 9-12 tháng)… Theo các em, cuộc sống càng hiện đại thì con người càng chú trọng đến vấn đề về sức khỏe, trong khi đó với người dân vùng nông thôn nói chung, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng, việc mua sắm thiết bị lọc nước là điều không hề đơn giản bởi giá thành mỗi chiếc máy từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Do vậy, với bộ “Dụng cụ lọc nước sinh hoạt đơn giản” sẽ giúp ích rất nhiều cho bà con, nếu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh không những bảo vệ sức khỏe mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Mô hình “Máy tái chế nông nghiệp” của học sinh Phan Ngọc Linh (bên trái) Trường THCS 719, huyện Krông Pắc. |
Hiện nay, việc tưới tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu sử dụng phương pháp tưới thông thường, tốn nhiều chi phí thuê nhân công, lãng phí xăng, dầu, gây lãng phí nguồn nước… nhưng hiệu quả không cao. Đối với vùng Tây Nguyên nói riêng, khu vực miền núi nói chung, với địa hình dốc nên độ xuôi dốc rất lớn, tuy nhiên việc tận dụng lợi thế này vào việc tưới tiêu vẫn còn nhiều hạn chế. Trước thực trạng trên, 2 học sinh Trường THPT Trần Quang Khải (TP. Buôn Ma Thuột) là Bùi Anh Tuấn và Nguyễn Anh Tuấn đã sáng chế “Máy bơm nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp” bằng mô hình tưới nhỏ giọt, phun mưa và hệ thống bơm cung cấp nước không sử dụng xăng, dầu, điện vừa thân thiện với môi trường, vừa giúp người nông dân tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ. Hệ thống bơm này có thể hoạt động liên tục, phạm vi áp dụng ở những dòng suối có địa hình dốc với độ cao của nguồn nước so với máy bơm khoảng hơn 1 mét, trong khi đó nước có thể đẩy lên độ cao gấp 5 đến 10 lần. Ưu điểm của sản phẩm này không chỉ tiết kiệm nước, nhân công lao động mà hơn nữa là hiệu quả bón phân tăng hơn 30% so với cách bón thông thường, độ ẩm được duy trì ổn định, khắc phục hiện tượng bạc màu, rửa trôi đất… Sản phẩm đã đoạt giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ III năm 2015. Chia sẻ về sáng chế của mình, các em cho biết: Được sự hướng dẫn của các thầy cô giáo trong trường và tự tìm hiểu thêm qua sách, báo, internet, chúng em tạo ra sản phẩm này với mong muốn giúp người nông dân nói chung, đặc biệt là người dân trồng cà phê nói riêng giảm bớt những gánh nặng, nỗi lo trong mùa tưới; đồng thời, đây cũng là dịp để chúng em đưa những kiến thức đã được học vận dụng vào thực tế.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, để giảm bớt sức lao động của người nông dân, học sinh Trường THPT Cư M’gar (huyện Cư M’gar) đã sáng tạo “Máy xay thức ăn cho gia súc, gia cầm”. Ưu điểm nổi bật của sáng chế này là không chỉ xay mà còn kết hợp được khâu trộn rau củ với cám giúp bỏ đi công đoạn thủ công bằng tay. Sản phẩm còn có bình đựng men tiêu hóa, thuốc nhằm kết hợp vào thức ăn trong quá trình xay, trộn khi cần dùng đến. Với thiết bị này có thể tháo rời bằng các chốt ốc, vít để dễ dàng di chuyển hoặc vệ sinh. Chiếc máy này không chỉ thay thế công đoạn băm rau, nấu cám của người chăn nuôi mà còn rút ngắn đáng kể thời gian chế biến cũng như công sức lao động chân tay của người chăn nuôi.
Ngoài các sáng chế trên, học sinh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều ý tưởng sáng tạo phong phú, đa dạng mang tính ứng dụng cao ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tiêu biểu như: “Mô hình an toàn giao thông đường bộ” của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột); “Tự chế phân vi sinh từ vỏ cà phê” của học sinh Trường THCS Phan Đình Phùng (huyện Ea Kar); “Mô hình xe môi trường đa năng” của học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột); “Máy tái chế nông nghiệp” của học sinh Trường THCS 719 (huyện Krông Pắc)… Có thể nói, những sản phẩm này không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo mà hơn nữa còn là sự quan sát tinh tế, cảm nhận và thấu hiểu những nhu cầu của người dân để từ đó tạo ra những sản phẩm hữu ích, hỗ trợ con người, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo baodaklak